Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 06:19 GMT+7

Tìm “thuốc đặc trị” cho khủng hoảng an ninh lương thực

Biên phòng - Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Pháp đã làm việc với Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) trong một bước tiến mới với mục tiêu giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu hiện hữu.

Tình trạng an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do 3 nguyên nhân chính, gồm: Xung đột, biến đổi khí hậu và tác động của đại dịch Covid-19. Ảnh: EY.COM

Đáng chú ý, Pháp - quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn nhất của EU đang thúc đẩy một sáng kiến có tên là “FARM”, gồm một cơ chế phân phối lương thực toàn cầu cho các quốc gia nghèo hơn. Sáng kiến này khơi dậy nhiều hy vọng về nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế giúp hệ thống lương thực ở các nước đang phát triển trở nên linh hoạt hơn và giảm bớt căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu.

Giới chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, với tiềm lực lớn của mình, các nước phát triển cần nghiêm túc tìm ra giải pháp căn bản đảm bảo sự ổn định của thế giới. Đáng mừng, EU đã cho thấy tín hiệu tích cực với một chiến lược “ngoại giao lương thực” để thế giới vượt qua một giai đoạn khó khăn và cũng giúp EU khẳng định vị thế quốc tế.

Mặt khác, truyền thông quốc tế ghi nhận, EU đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lương thực, hỗ trợ cung cấp nhiên liệu cho nông nghiệp ở nhiều nước. Đồng thời cho thấy ý chí mạnh mẽ về việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương do mất cân bằng an ninh lương thực, điển hình như gói viện trợ 225 triệu euro cho Bắc Phi và Trung Đông vừa được công bố vào tuần trước; thêm 300 triệu euro hỗ trợ hoạt động nông nghiệp cho các nước Tây Balkan...

Tiến sĩ Martin Frick, Trưởng Văn phòng đại diện WFP tại Đức cho biết, giá lương thực thế giới đã tăng liên tục kể từ tháng 6-2020 và chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Trung Đông, vùng Sừng châu Phi, khu vực Sahel... Tiến sĩ Frick bày tỏ, trong những cú sốc về an ninh lương thực, những người nghèo nhất trong số những người nghèo sẽ cảm thấy những tác động một cách rõ ràng, bởi họ phải dành phần lớn thu nhập của mình cho thực phẩm.

Cũng theo Tiến sĩ Frick, tình trạng an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do 3 nguyên nhân chính, gồm: Xung đột, biến đổi khí hậu và tác động của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, sự suy yếu về kinh tế toàn cầu, nhất là mất an ninh năng lượng cũng là một nguyên do khiến chi phí ở mọi lĩnh vực tăng cao, làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, xung đột từ nhiều năm qua đã kéo theo các làn sóng bất ổn về lương thực. Song, điều đáng buồn hơn là nhiều quốc gia, khu vực không tham gia xung đột cũng bùng phát xung đột với nguyên nhân “gốc rễ” là mất an ninh lương thực. Điển hình như thiên tai ở châu Âu vào đầu thập kỷ trước đã dẫn tới những lệnh cấm xuất khẩu lúa mì khiến giá bánh mì ở nhiều quốc gia Trung Đông tăng cao, thúc đẩy bất ổn xã hội và dẫn tới “Mùa xuân Arab” ở hàng loạt quốc gia.

Theo giới chuyên gia quốc tế, bên cạnh những nguyên nhân dễ nhận thấy như cạnh tranh địa chính trị, xung đột bùng nổ, tác động của biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân căn bản nhất khiến lương thực thiết yếu ngày càng thiếu hụt. Thậm chí, tình trạng này có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng trong những năm tới. Báo cáo phân tích được công bố gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dẫn giải, nạn đói có thể xảy ra ở Afghanistan do 3 giai đoạn hạn hán liên tiếp vừa qua. Tương tự tại Trung Mỹ, các đợt hạn hán kéo dài đang diễn ra tạo nên những mối lo ngại nghiêm trọng về nguồn cung lương thực.

Giới chuyên gia quốc tế khẳng định, mục tiêu quan trọng căn cơ nhất của thế giới là phải thích ứng hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp tổng hợp để khôi phục an ninh lương thực. Song, điều quan trọng nhất là phải đạt được hòa bình vì phần lớn các cuộc xung đột đều diễn ra ở những nước có lợi ích địa lý chiến lược, bao gồm nguồn cung cấp lương thực lớn. Vì vậy, hòa bình với nền tảng ngoại giao sẽ là một trong những “liều thuốc” đặc trị cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO