Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Tìm thị trường cho nông sản Long An

Biên phòng - “Ở thời điểm này, Long An mong hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng để giúp người dân ổn định sản xuất...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh như vậy, tại Diễn đàn trực tuyến “Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố” ngày 11-12, trong bối cảnh một số sản phẩm nông sản đang vào chính vụ nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản dịp cao điểm cuối năm, tỉnh Long An đang cố gắng kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp để mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trái cây được đưa vào kho lạnh bảo quản. Ảnh: Thanh An

Tiêu thụ nông sản gặp khó

Chia sẻ về mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, ông Lê Thành Úc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: “Chúng tôi có hơn 7.100ha chanh, trong đó, 1.200ha ứng dụng công nghệ cao. Sản lượng chanh khoảng 70.000 tấn/năm. Trong quy hoạch sắp tới, tỉnh sẽ đưa cây chanh thành cây chủ lực, tăng diện ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu lên 2.700ha. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ chanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã được các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ như thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sản lượng khó tiêu thụ vẫn còn khá nhiều”.

Ngoài chanh, nhiều mặt hàng nông sản khác của Long An như: Sầu riêng, thanh long, thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ông Nguyễn Minh Lâm thông tin, với khoảng 300.000ha đất nông nghiệp, lúa vẫn là nông sản chính của Long An, với sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm. Long An còn sản lượng lớn rau quả, khoảng 200.000 tấn rau, 330.000 tấn thanh long, 47.000 tấn khoai mỡ... Về thủy sản, sản lượng của tỉnh khoảng 72.000 tấn, trong đó, tôm nước lợ 15.000 tấn.

“Long An có nhiều đặc sản được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, tạo được chỗ đứng trên thị trường như gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Thành, đậu phộng Đức Hòa... Song thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng, nhất là việc Trung Quốc thắt chặt hoạt động nhập khẩu, kiểm soát dịch Covid-19, việc thông quan hàng hóa qua cửa khẩu phía Bắc ít nhiều bị ảnh hưởng, gây ra ùn ứ. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt Tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn” - ông Lâm cho biết thêm.

Tìm kiếm thị trường mới

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vina T&T thừa nhận, nông sản Việt có quán tính xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, theo ông Tùng, tỉnh Long An nói riêng và các nước nói chung cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Mỹ. Và muốn làm được điều này, chúng ta cần hình thành thêm nhiều vùng trồng đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Nói về việc xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh Long An, ông Tùng nhấn mạnh, Vina T&T có chuỗi hệ thống phân phối trong nước ở nhiều tỉnh, thành phố. Với Long An, Vina T&T đã liên kết với sản phẩm chanh không hạt được 5-6 năm. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu thanh long đỏ vào Mỹ, Australia, Canada... và đã có thị phần nhất định tại các thị trường này. Sắp tới, Vina T&T sẽ xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Trung Đông.

Còn bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc giao dịch và cung cấp sản phẩm của Sài Gòn Coop cho biết, bà quan tâm đến các sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có Long An. Bà tham mưu rằng cần phát triển sản phẩm OCOP đến nhiều vùng miền, trở thành đặc trưng, thế mạnh, mũi nhọn trong cả tiêu thụ lẫn xuất khẩu.

Dưa hấu là một trong những mặt hàng chủ lực của Long An. Ảnh: Thanh An

Theo bà Tuyền, các hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất tại Long An nên tham dự các hội nghị xúc tiến, tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm để nhận những phản hồi từ các địa phương khác. Long An cũng nên phối hợp tổ chức các tour du lịch nông nghiệp miễn phí giúp du khách biết đến nhiều hơn nông sản địa phương. Đồng thời, Long An cần có phương án giúp người dân có nhận thức về chế biến, bảo quản nông sản, từ lúc sau thu hoạch đến đóng bao bì để đảm bảo chất lượng, giảm thiểu chi phí phát sinh.

Về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, bà Tuyền khẳng định, hiện, Sài Gòn Coop lên kế hoạch mở rộng chuỗi siêu thị, phân phối sản phẩm tới Long An, với lượng tiêu thụ cụ thể hàng ngày là: 10 tấn trái cây, 30 tấn rau củ, 10 tấn thịt. Bà Tuyền mong lãnh đạo tỉnh Long An tăng cường hơn nữa việc kết nối giao thương.

Để nâng cao giá trị nông sản cũng như thu nhập nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khuyến nghị tỉnh Long An đầu tư nâng cấp, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu bằng cách xây dựng các hợp tác xã, phát triển khu vực kinh tế tập thể, tổ hợp tác, bởi không có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ luôn e ngại khi rót vốn vào địa phương.

Thứ trưởng cho biết, hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu tập trung lớn trên cả nước, với quy mô khoảng 156.000ha. Long An nằm trong vùng nguyên liệu Tứ giác Long Xuyên và được bộ cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, Long An cần xây dựng trung tâm dịch vụ, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch. Cùng với đó, Long An nên phát triển đa dạng thị trường, cả trong nước lẫn ngoài nước, không nên tập trung vào một thị trường riêng lẻ. Với thị trường quen thuộc Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, Long An có kế hoạch tận dụng việc nước bạn sắp mở cửa thị trường cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang; cập nhật sớm, kịp thời với thông tin các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, giúp tránh tình trạng ùn ứ khi vận chuyển.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO