Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Tìm mẹ sau ngày giải phóng

Biên phòng - Trong đoàn quân từ miền Bắc tiến vào Sài Gòn tháng 4-1975, nhiều chàng lính trẻ quê ở miền Nam luôn mong ngóng được về thăm mẹ, nhưng họ đã ngã xuống vào giờ phút cuối ở cửa ngõ Sài Gòn. Ông Nguyễn Kiếm, quê ở Quảng Ngãi đã may mắn được trở về quê tìm mẹ sau 14 năm không có tin tức.

9ltb_5a
Cựu chiến binh Nguyễn Kiếm bên di ảnh của mẹ. Ảnh: Lê Văn Chương

Ông Nguyễn Kiếm hồi tưởng lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh - đoàn quân tiến vào Sài Gòn, những người lính giải phóng xuất hiện khắp nơi, dọc đường Calmette, Alexandre de Rhodes, bến Bạch Đằng. Trong giờ phút đó, trong lòng người thanh niên 30 tuổi nghĩ ngay đến người mẹ già ở Quảng Ngãi. Trên đường hành quân từ miền Bắc vào Nam, ông dự tính, xe đi theo đường 1, lúc qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, ông sẽ xin phép cấp trên chạy thật nhanh về nhà thăm mẹ vài phút rồi lại đuổi theo đoàn quân. Nhưng khi đến Quảng Trị thì Quân đoàn 1 lại rẽ ngoặt lên đường Tây Trường Sơn, đi vòng sang đường phía bên Lào. 

Ngày 30-4-1975, ông Kiếm có mặt tại dinh Độc Lập. Vào giờ phút đó, tại một ngôi nhà nhỏ nằm gần chân núi Sứa thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Tửu thắp nén hương khấn nguyện niềm vui ngày chiến thắng, giọt nước mắt tuôn trào. Nhiều năm trước, có người báo tin con trai bà từ ngoài Bắc vào Nam và đã hy sinh trên đường Trường Sơn, vì vậy, bà đã lập bàn thờ và cúng chung với ngày giỗ của người chồng. Bàn thờ luôn đặt 2 bát cơm dưới ánh đèn leo lét, thỉnh thoảng ngọn đèn chao nhẹ trước làn gió từ sông Trà Khúc lùa qua vách lá.

Ngày giải phóng, ông Kiếm và đồng đội ngước nhìn lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Để có hình ảnh này, biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Trên đường hành quân từ miền Bắc vào Nam, đi vòng qua đất bạn Lào, qua Tây Nguyên rồi xuống Sài Gòn, ông Kiếm đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh. “Anh em lính trẻ hy sinh ngay trước ngày giải phóng, rất đau xót” – Ông Kiếm bùi ngùi kể. 

Nhà mẹ của ông Kiếm nằm sát đồn địch. Trước ngày giải phóng, người mẹ già hằng đêm ngóng ra bờ sông trông mong tin tức con từ những cánh thiệp được gửi qua vĩ tuyến 17. Cũng trong thời gian đó, tại tỉnh Ninh Bình, người con trai của bà đã được biên chế vào Quân đoàn 1, là đơn vị chủ lực được tung vào miền Nam khi cơ hội chín muồi. Quân đoàn bao gồm các Sư đoàn: 320, 312, 308, Lữ đoàn pháo binh hỗn hợp 45, pháo mặt đất, Lữ đoàn 367 pháo phòng không, cao xạ, Lữ đoàn 202 xe tăng, thiết giáp, Trung đoàn thông tin 140, Lữ đoàn công binh 299.

Nhiều lúc nhớ mẹ, ông Kiếm mong ngày thống nhất đất nước để được về thăm nhà. Nhưng việc luyện tập dày đặc đã làm cho niềm nhớ đó chỉ hiện ra vào những đêm yên tĩnh. Công tác huấn luyện diễn ra liên tục ở các đơn vị và diễn tập tấn công cấp chiến dịch cho đến ngày nhận lệnh tiến quân vào miền Nam, chỉ giữ lại Sư đoàn 308 để bảo vệ miền Bắc. Ở quê, người mẹ của ông đặt bàn thờ cúng con, nhưng linh cảm của người mẹ khiến bà vẫn le lói một niềm hy vọng. Ngày ông Kiếm ngồi trên một chiếc xe Hồng Hà, nằm trong đội hình khoảng 1.000 xe tải đang đi vào Nam, đó là ngày mẹ ông vẫn tiếp tục hương khói cho 2 cha con, nhưng trong lòng vẫn nuôi niềm hy vọng. 

Sáng 15-5-1975, sau lễ duyệt binh tại Sài Gòn mừng đất nước thống nhất, ông Kiếm và nhiều cánh tay trong đơn vị giơ lên ý kiến: “Xin phép thủ trưởng cho chúng em về thăm gia đình, vì đã nhiều năm bặt tin tức”. Mỗi quân nhân về thăm quê được phát 8.000 đồng. Những cậu lính trẻ săm soi tờ tiền miền Nam lần đầu tiên được trông thấy. Tờ tiền có mệnh giá 500 đồng có in hình vua Gia Long, chiếc thuyền buồm; tờ tiền mệnh giá 200 đồng có in hình vua Quang  Trung đầu đội giáp trụ...

Quân đoàn 1 được rút khẩn cấp ra Bắc, một đội xe chở anh em miền Nam tỏa về các địa phương và đi dọc các tỉnh miền Trung đến Quảng Trị. Tiêu chuẩn mỗi người được thăm nhà chỉ một ngày, sau đó xe vào đón đưa ra miền Bắc. Ông Kiếm rời gia đình từ năm 1961, giờ về thăm mẹ, ông phân vân mãi, không biết nên mua món quà gì để tặng mẹ, không biết mẹ mình còn sống hay đã qua đời? Gia đình có con trai ra Bắc tham gia chiến đấu, không biết bọn địch có để cho mẹ được sống yên ổn?

Khi ông Kiếm vừa bước vào sân, người mẹ 70 tuổi với chiếc lưng còng, đôi mắt mờ, đôi tay run run đã nhào ra ôm ngang lưng người con trai và chỉ vào bàn thờ: “Cha con đã qua đời, bao nhiêu năm nay mẹ tưởng con đã hy sinh luôn rồi”. Bà gạt nước mắt và hỏi tiếp con trai có vợ chưa, khi nào thì dẫn về giới thiệu cho mẹ biết, vì con còn nhiệm vụ thì sẽ phải tiếp tục lên đường. Mừng người con trai trở về, bà gọi người làm thịt ngay 1 con lợn 30kg, đặt bàn ra giữa sân và làm mâm cơm cúng để báo với người đã khuất về việc con trai vẫn còn sống.  

Ngày trở về, ông Kiếm mới hay biết, nhiều năm qua, mẹ đã trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ. Bà không kể nhiều về những hoạt động của mình. Nhưng sau này, ông đã tìm thấy một căn hầm bí mật được mẹ đào ngay trong gian bếp. Cán bộ ở trên về nằm vùng hoạt động được mẹ đưa xuống hầm với một nắm cơm. Nhiều cán bộ sau này kể lại, đã được mẹ nuôi giấu trong nhà và thoát khỏi bị bắt trong gang tấc. 

Nhớ lại khoảng thời gian ngắn ngủi bên mẹ, ông Kiếm có vẻ ưu tư và cho biết, sau giải phóng thì ông nhận nhiệm vụ mới ở Lữ đoàn Hải quân đánh bộ, vào đóng quân tận tỉnh Kiên Giang, sau đó ra Hải Phòng, Thanh Hóa, Cam Ranh, tham gia đánh địch ở biên giới Tây Nam, sang chiến trường Campuchia 4 năm. Thời gian đó, người vợ của ông từ tỉnh Hòa Bình vào Quảng Ngãi vừa xin việc làm, vừa thay ông chăm sóc người mẹ già sống những năm cuối đời.  

Ông Nguyễn Kiếm trải qua nhiều cương vị khác nhau trong lực lượng Hải quân, như: Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Hải quân đánh bộ. Nơi công tác gần nhất của ông Kiếm là bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng thì đó là lúc mẹ ông qua đời (năm 1986). Năm 1989, ông Kiếm xin nghỉ hưu ở tuổi 48. Cha của ông Kiếm mất khi ông mới là cậu bé 5 tuổi. Cả cuộc đời binh nghiệp, ông không chăm sóc được người mẹ già, vì vậy ông tâm niệm, những năm tháng còn lại sẽ hương khói để sưởi ấm hương hồn mẹ, cha ở nơi suối vàng.   

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO