Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 09:35 GMT+7

Tìm lại trang phục cổ truyền của dân tộc Raglai

Biên phòng - Trong một thời gian khá dài những thập kỷ 60-80 của thế kỷ trước, do nhiều yếu tố khách quan tác động đã dẫn tới tình trạng đồng bào Raglai bị mai một dần trang phục truyền thống. Trước thực trạng đó, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã quyết tâm đi sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi lại nguyên mẫu trang phục truyền thống của dân tộc Raglai.

Đồng bào Raglai trong trang phục dân tộc tái hiện Lễ hội ăn đầu lúa mới (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Ngọc Ánh

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, dân tộc Raglai có 146.613 người, sinh sống chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và một số ít tại tỉnh Lâm Đồng. Từ xa xưa, cộng đồng người Raglai có một kho tàng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đặc sắc, trong đó, bao gồm kiến trúc nhà truyền thống, trang phục cổ truyền, ngôn ngữ, các tác phẩm sử thi, truyện cổ, các làn điệu dân ca, dân vũ, luật tục... Cùng với trang phục truyền thống, những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc luôn được đồng bào thể hiện trong các lễ hội truyền thống như Lễ bỏ mả, Lễ hội ăn đầu lúa mới, Lễ cưới, Lễ cầu mưa, Lễ trưởng thành, Lễ xuống giống...

Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài những thập kỷ 60-80 của thế kỷ trước, do nhiều yếu tố khách quan tác động đã dẫn tới tình trạng đồng bào Raglai bị mai một dần trang phục cổ truyền. Ông A Pitâu Xá Ngoan, 50 tuổi, ở xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, từ thuở còn thơ bé, ông được nghe cha mình kể, ngày xưa, đàn ông Raglai cởi trần đóng khố. Còn đàn bà quấn váy tấm, mặc áo cộc luồn đầu. Đồ trang sức của nữ có vòng đeo cổ tay, vòng đeo cổ, các loại vòng cườm, bông tai bằng đồng thau hay bằng bạc.

Khi lớn lên, ông thấy trong làng mình chỉ còn vài người đàn ông lớn tuổi mặc trang phục truyền thống. Đó là chiếc khố (cà giọt) và áo khoang. Thân áo không chia thành hai phần đen (dưới), trắng (trên) mà có nhiều vòng đen - trắng xen nhau liên tục từ dưới lên trên, mỗi vòng rộng chừng 4 ngón tay. Còn phụ nữ trong làng đều mặc giống người Kinh. Trong các làng Raglai ở huyện Thuận Bắc, từ vài chục năm nay, không ai còn dệt vải truyền thống. Do đó, những người phụ nữ cùng thế hệ như ông A Pitâu Xá Ngoan cũng lạ lẫm khi nói về trang phục cổ truyền của dân tộc mình.

Trước thực trạng đó, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã trăn trở và quyết tâm đi sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi lại trang phục truyền thống của dân tộc Raglai. Những người đi tiên phong phải kể đến ông Nguyễn Thế Sang ở Khánh Hòa, ông Hải Liên, Đình Hy ở Ninh Thuận.

Từ những năm thập niên 80-90 của thế kỷ trước, các nhà văn hóa dân gian đã rong ruổi đi đến từng bản làng vùng sâu, vùng xa, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người già, dần dần, họ đã hình dung được những nét cơ bản của sắc phục Raglai: nữ giới mặc áo khoang, gần giống với váy người Chăm, vạt áo chỉ dài quá rốn, cổ áo hơi tròn. Hai ống tay áo chỉ dài tới giữa cẳng tay để khoe những món đồ trang sức như vòng cườm, vòng bạc, vòng đồng.

Về màu sắc, chủ yếu có hai màu đen và trắng. Thân áo từ ngực trở lên là màu trắng, từ ngực trở xuống là màu đen. Ống tay áo cũng là dạng tay khoang chia thành 3 khoang đen trắng xen kẽ nhau. Váy của người Raglai hầu hết màu đen, một số ít mặc màu xanh đậm. Dưới gấu váy thêu một vòng hoa văn rộng chừng 4 ngón tay. Vào những ngày hội, trang phục Raglai được điểm xuyết thêm màu sắc, họa tiết, làm cho bộ váy áo đẹp hơn, ấn tượng hơn.

Sau thời gian dài tìm kiếm, các nhà văn hóa dân gian đầy tâm huyết đã dựng lại những nét nguyên mẫu của sắc phục Raglai. Bộ trang phục gồm áo, váy, yếm, chăn, khăn đội đầu và cả những món trang sức đi kèm đã được khôi phục lại tương đối rõ nét. Gần 20 năm trở lại đây, đến các buôn làng của người Raglai đã thấy xuất hiện các bộ trang phục mang hơi hướng cổ xưa. Các bà, các chị, các bạn trẻ đã mặc những bộ trang phục ấy để tham gia các lễ hội cổ truyền, biểu diễn văn nghệ dân gian, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Các nghệ nhân dân gian mặc sắc phục đồng bộ để diễn tấu cồng chiêng, múa hát...

Tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận hiện nay đã đưa trang phục dân tộc vào làm đồng phục cho học sinh. Cách làm này đã giúp học sinh nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh công tác giảng dạy, mỗi tháng, các trường phổ thông bán trú trên địa bàn huyện Bác Ái còn mời các nghệ nhân người Raglai đến nói chuyện, chia sẻ về di sản văn hóa dân tộc, ý nghĩa của trang phục truyền thống, hướng dẫn cho học sinh cách bảo quản trang phục truyền thống trong trường học.

Trong đợt “Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ I-2011” do Ủy ban Dân tộc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Thủ đô Hà Nội), đồng bào Raglai ở Ninh Thuận đã mang bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình khoe sắc cùng “vườn hoa trang phục” 54 dân tộc anh em.

Trong những năm gần đây, nhiều đồng bào và nghệ nhân dân tộc Raglai ở Ninh Thuận đã được mời về Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam để trình diễn những làn điệu dân ca, dân vũ và tái hiện một số nghi lễ, lễ hội truyền thống như Lễ hội ăn đầu lúa mới, Lễ cưới truyền thống, Lễ báo hiếu, Lễ bỏ mả... Qua những hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa, đồng bào Raglai đã giới thiệu đến du khách và công chúng Thủ đô những nét văn hóa đặc trưng và trang phục truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, càng bồi đắp thêm ý thức nâng niu, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO