Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 05:44 GMT+7

Tìm hướng phát triển đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An

Biên phòng - Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 187.588 đảng viên đang sinh hoạt tại các tổ chức Đảng, trong đó có 24.209 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 12% số đảng viên toàn tỉnh. Phần lớn đảng viên người dân tộc thiểu số đang sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở thuộc các bản làng vùng cao, biên giới phía Tây Nghệ An. Họ là lực lượng nòng cốt tham mưu, tổ chức giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự bản làng. Thế nhưng việc phát triển đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên trẻ ở Tây Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn, cần phải có giải pháp căn cơ để giải quyết.

Bài 1: Điểm tựa của bản làng

Có những đảng viên trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản qua trường lớp, trở về phục vụ bản làng. Cũng có những đảng viên trẻ với kiến thức thực tế và sự tìm tòi học hỏi đã đưa cái hay, điều tốt giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Họ đang thực sự trở thành điểm tựa làm khởi sắc cuộc sống của nhân dân ở các bản làng vùng cao, biên giới khó khăn ở miền Tây Nghệ An.

6mgb_10
Lữ Thị Loan (thứ hai, từ phải sang), Trưởng bản Hồng Tiến 2 là một trong hàng trăm đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Viết Lam

Nữ Cử nhân sư phạm làm Trưởng bản 

Bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, nơi có 118 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản. Nhiều năm trước, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí còn hạn chế nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ vậy, bản Hồng Tiến 2 từng là địa bàn có tỉ lệ người nghiện ma túy, người nhiễm HIV cao, tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, bản làng vùng cao này không xuất hiện người nghiện ma túy, người nhiễm HIV mới. Nhân dân trong bản đoàn kết, hăng hái thi đua sản xuất, quyết tâm đưa bản làng về đích nông thôn mới. Khi nói về sự đổi thay, khởi sắc trong cuộc sống của bản làng mình, nhân dân bản Hồng Tiến 2 thường nhắc đến những đóng góp của người đảng viên trẻ, Cử nhân sư phạm, Trưởng bản Lữ Thị Loan.

Trưởng bản Lữ Thị Loan sinh năm 1989, người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Hồng Tiến 2. Khi còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình Loan rất khó khăn, với quyết tâm cao, Loan đã vươn lên trong học tập, quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, trải qua quá trình học tập vất vả, Loan đã đạt được mục tiêu của mình khi tốt nghiệp loại Khá, ngành Sư phạm Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Huế. Cô Cử nhân Sư phạm quyết định trở về quê hương tìm cho mình chỗ đứng trên bục giảng.

Thế nhưng, trong giai đoạn ngành giáo dục địa phương thực hiện tinh giản biên chế, Loan không thể hoàn thành giấc mơ. Dù vậy, hằng ngày, cùng với công việc sản xuất, Loan vẫn tổ chức dạy kèm miễn phí cho các em học sinh ở gần nhà, rồi tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Với tình yêu dành cho bản làng và khát vọng cống hiến cho cộng đồng, năm 2016, Lữ Thị Loan vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi được bà con bầu làm Trưởng bản.

Hôm chúng tôi tìm gặp, Trưởng bản Lữ Thị Loan cùng thành viên Ban cán sự, các đoàn thể của bản Hồng Tiến 2 đang lao động giúp đỡ gia đình ông Lữ Văn Thanh, một hộ nghèo trong bản lợp nhà. Khi tôi hỏi gặp Trưởng bản, mọi người xung quanh chỉ vào cô gái trẻ, dáng người nhỏ nhắn, có nụ cười tươi đang liền tay chuyền ngói lên mái nhà. Vào chuyện, Loan khẳng định với chúng tôi: “Ở đây, giờ mọi công việc hệ trọng của các gia đình chính sách, khó khăn trong bản đều có sự chung tay của Ban cán sự bản, các đoàn thể và thành viên của Tổ liên gia. Nhờ sự đồng thuận cao mà mọi công việc chung của làng bản đều rất thuận lợi”.

Khi nói về nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng” mà bà con tin tưởng giao phó, Loan cười và chia sẻ: “Em vốn ước mơ được làm giáo viên đứng trên bục giảng, dạy học cho trẻ em quê mình, nhưng không thành. Ban đầu, cũng hơi hụt hẫng, em tham gia các hoạt động tại bản chỉ đơn giản để tìm niềm vui trong công việc chung với bà con. Việc được nhân dân bầu làm Trưởng bản là ngoài dự kiến của em. Ngày nhận nhiệm vụ, em đứng trước bà con và nói rằng: “Tôi làm Trưởng bản sẽ có nhiều người bị phê bình, bà con có đồng ý không?”. Được bà con ủng hộ nên em quyết tâm làm thật tốt công việc được giao”.

Từ ngày nhận nhiệm vụ đến nay, Trưởng bản Lữ Thị Loan cùng Ban cán sự bản Hồng Tiến 2 kiện toàn các tổ chức như Đoàn thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi... hoạt động rất nề nếp, hiệu quả. Đặc biệt, nữ Trưởng bản đã tổ chức nhiều cuộc họp dân để bàn bạc, bổ sung rồi thông qua “Hương ước bản Hồng Tiến 2”. Trong đó, có quy định, đưa ra phê bình trước mọi người những gia đình vi phạm kế hoạch hóa gia đình, hay để người thân rơi vào các tệ nạn xã hội, không tham gia các hoạt động cộng đồng (như vệ sinh thôn bản, làm đường giao thông...). Cuối năm, bản tổ chức bình bầu, khen thưởng những gia đình tiêu biểu, đồng thời nhắc nhở các gia đình còn hạn chế trong công việc chung của bản làng. “Người ta nói phép vua thua lệ làng là vậy. Mọi gia đình trong bản đều đồng thuận, thông qua, nên họ đều có trách nhiệm rất cao trong việc thực hiện. Diện mạo của bản làng thay đổi là nhờ công sức của nhân dân” - Trưởng bản Lữ Thị Loan khẳng định.

Theo ông Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An: “Đội ngũ đảng viên trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt ở miền Tây Nghệ An, nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí, kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế thì đảng viên trẻ ở đây được xem là “điểm tựa” làm đổi thay cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, công tác phát triển đảng viên trẻ ở một số bản làng đang gặp phải không ít khó khăn”. 

Bí thư chi bộ đưa dân bản thoát nghèo

Đảng viên trẻ Và Bá Ca, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ bản biên giới Thâm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, được nhân dân trong bản và các vùng lân cận vô cùng thán phục, tin yêu. Trong con mắt của mọi người, Và Bá Ca là thanh niên chăm chỉ, năng động trong phát triển kinh tế, không ngừng học hỏi đưa cái hay, cái tốt về với bà con.

Và Bá Ca sinh năm 1986, trong một gia đình có đông anh chị, em. Vì hoàn cảnh khó khăn, chàng trai trẻ chỉ học hết lớp 9, rồi ở nhà bám nương, ruộng lúa sản xuất, tham gia hoạt động Đoàn thanh niên của bản. Nhờ phát triển tốt đàn gia súc lớn (trâu, bò), gia đình Ca trở thành hộ đầu tiên của bản Thâm Thẩm thoát được đói nghèo. Năm 2006 (khi mới 22 tuổi), Ca được đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, đại hội Chi bộ bầu làm Bí thư chi bộ bản Thâm Thẩm cho đến bây giờ.

Trước đây, bản Thâm Thẩm được biết đến với tên gọi khác là “bản góp”, bởi 20 hộ dân/105 nhân khẩu gồm đồng bào dân tộc Mông, Thái và Khơ Mú đều di cư từ nơi khác đến. Ban đầu, 100% hộ dân bản Thâm Thẩm thuộc diện nghèo, rồi sự khác biệt về văn hóa khiến cho một số gia đình trong bản xích mích, mất đoàn kết. Trải qua thời gian, với sự đóng góp của chính quyền địa phương, của Đồn Biên phòng Nhôn Mai; đặc biệt là vai trò tiên phong của đảng viên trẻ, Bí thư chi bộ Và Bá Ca, người dám nghĩ, dám làm, có sức thuyết phục nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, nên giờ đây, bản biên giới này đã có nhiều khởi sắc. 20 hộ dân bản đang sở hữu tổng đàn trâu, bò hơn 150 con, hơn 30ha diện tích cây chanh leo; trên 60% hộ gia đình trong bản thoát được diện đói nghèo, vươn lên làm giàu. Điều đáng mừng nhất, từ chỗ bản có nguy cơ tái trắng đảng viên thì nay Chi bộ bản Thâm Thẩm đã có 8 đảng viên tuổi đời rất trẻ, ai cũng năng động.

Cùng với phát triển chăn nuôi, năm 2013, bản Thâm Thẩm được định hướng đưa vào trồng cây chanh leo trên diện rộng. Trên cương vị Bí thư chi bộ, Và Bá Ca đã vận động các hộ dân tích cực tham gia trồng giống cây mới với hi vọng mang lại thu nhập cao. Thế nhưng, dân bản vốn có số lượng trâu bò khá nhiều, lại quen chăn thả tự do, nên việc trồng, bảo vệ cây chanh leo là điều không dễ.

Trước tình hình đó, Và Bá Ca đã tổ chức cuộc họp toàn bộ dân bản và nêu ra ý tưởng về việc hình thành khu tập trung chăn thả gia súc. Theo đó, toàn bộ trâu, bò của các hộ dân trong bản sẽ được chăn thả trong khu vực rừng tự nhiên khoảng 20ha. Việc này vừa dễ quản lý, theo dõi dịch bệnh, vừa không làm ảnh hưởng đến việc trồng cây chanh leo. Nếu gia đình nào còn thả trâu, bò tự do thì sẽ bị bắt và phạt theo hương ước của bản. Ý tưởng của Bí thư chi bộ được nhân dân đồng thuận, thực hiện. Không dừng lại đó, Và Bá Ca còn tích cực học hỏi, hướng dẫn bà con chăm sóc cây chanh leo. Sau nhiều năm, cây chanh leo đang được trồng rộng rãi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây thoát nghèo cho các gia đình trong bản.

Lữ Thị Loan, Trưởng bản Hồng Tiến 2 hay Và Bá Ca, Bí thư chi bộ bản Thâm Thẩm là 2 trong số hàng trăm đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số năng động, đang cống hiến hết mình cho sự đổi thay ở các bản làng của vùng cao phía Tây Nghệ An.

Bài 2: Thiếu hụt nguồn phát triển đảng viên trẻ

Viết Lam

Bình luận

ZALO