Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 06:54 GMT+7

Tìm hiểu về Luật Biển Việt Nam

Biên phòng - Luật Biển Việt Nam quy định về phát triển kinh tế biển

Điều 42, Chương IV Luật Biển Việt Nam quy định về nguyên tắc phát triển kinh tế biển như sau:

- Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển.

- Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

- Gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo.

Các Điều: 43, 44, 45, 46 đã quy định rất chi tiết về: Phát triển các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.

Trong khuôn khổ của các quy định nói trên, chính sách là chủ trương, định hướng cơ bản được cơ quan có thẩm quyền xây dựng trên cơ sở đường lối, pháp luật, chiến lược của Nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể hoặc trong quy hoạch phát triển tổng thể nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Chính sách biển là một trong những chính sách cụ thể trong lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và bảo vệ môi trường biển được xây dựng trong khuôn khổ của những chế định của Luật Biển Việt Nam và nhằm định hướng cho mọi hoạt động trong các vùng biển theo đúng những quy định của Luật Biển Việt Nam.

Đây là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh, an toàn trên biển, là điều kiện quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước.

Chính sách biển Việt Nam đến năm 2020

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, như sau:

- Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

- Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

- Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung cả nước.

Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.

Các định hướng chủ yếu phát triển biển

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 cũng xác định cụ thể định hướng phát triển biển đến năm 2020 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại, khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển:

- Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội: Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ, phát triển giao thông biển... Đến năm 2020, phát triển thành công có bước đi đột phá về kinh tế biển, ven biển, như: Khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và các khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển...

- Định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Nhiệm vụ cơ bản lâu dài là bảo vệ, quản lý vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trong các vùng biển, thềm lục địa, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhiệm vụ trước mắt là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển: Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, đảo Tổ quốc.

Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc. Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Hải quân, Không quân, Cảnh sát Biển, Biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên biển. Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc...

Ngoài 2 định hướng chủ yếu nêu trên, Nghị quyết cũng đề cập đầy đủ định hướng về điều tra cơ bản, phát triển khoa học công nghệ biển; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; xây dựng kết cấu hạ tầng; chiến lược phát triển các khu vực biển...
(Còn nữa)
BBP

Bình luận

ZALO