Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 06:20 GMT+7

Tìm hiểu Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) Phương pháp xác định thềm lục địa

Biên phòng - Phương pháp xác định thềm lục địa Thềm lục địa và xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa (TLĐ) của các quốc gia ven biển có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển trong TLĐ là rất to lớn... Tuy nhiên, việc xác định ranh giới phía ngoài TLĐ để xác định phạm vi thềm lục địa của các quốc gia ven biển không phải tùy ý mà phải tuân thủ quy định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (trong bài gọi tắt là Công ước).

Công ước quy định (Điều 76): “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó, cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”.

Ranh giới phía ngoài TLĐ do quốc gia ven biển tự xác định, tuyên bố hoặc đàm phán (với quốc gia hữu quan) để xác định nếu hai quốc gia có TLĐ tiếp giáp hoặc đối diện và có danh nghĩa pháp lý TLĐ chồng nhau. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý tự nhiên của các quốc gia ven biển khác nhau nên việc ấn định ranh giới phía ngoài TLĐ của các quốc gia ven biển và phạm vi TLĐ của các quốc gia cũng khác nhau. Thực tế, có quốc gia ven biển ấn định chiều rộng TLĐ là 200 hải lý, nhưng lại có quốc gia ấn định chiều rộng TLĐ lớn hơn 200 hải lý... Theo quy định của Công ước, các quốc gia ven biển căn cứ vào đặc điểm địa lý tự nhiên để ấn định phạm vi lãnh hải của mình nhưng chiều rộng TLĐ không thể vượt quá 350 hải lý.

Việc xác định TLĐ và ranh giới TLĐ có quan hệ chặt chẽ với nhau và liên quan đến lợi ích tối đa của quốc gia ven biển.

Việc xác định phạm vi TLĐ của các quốc gia ven biển phải tuân thủ theo các quy định cụ thể của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

- Ở những khu vực bờ ngoài của rìa lục địa (phần nền lục địa ngập dưới nước với độ dốc thoai thoải) của quốc gia ven biển cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải không đến 200 hải lý thì TLĐ được xác định đến 200 hải lý.

- Những khu vực bờ ngoài của rìa lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì TLĐ được xác định như sau:

+ Nối các điểm có bề dày lớp trầm tích (nơi tích tụ dầu khí, khoáng sản) ít nhất bằng 1% khoảng cách từ điểm đó đến chân dốc lục địa (dốc lục địa là phần nằm giữa TLĐ tự nhiên và bờ lục địa, nơi có sự thay đổi độ dốc đột ngột).

+ Nối các điểm cách chân dốc lục địa một khoảng cách 60 hải lý.

Để hạn chế việc mở TLĐ quá rộng của các quốc gia ven biển, Công ước quy định không được xác định TLĐ vượt quá giới hạn 350 hải lý hoặc vượt quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m (đường nối liền các điểm có chiều sâu 2.500m).

Như vậy, xác định ranh giới ngoài TLĐ Công ước Luật Biển sử dụng và kết hợp cả 3 yếu tố sau:

- Khoảng cách (200 hải lý, 350 hải lý tính từ đường cơ sở; 60 hải lý tính từ chân dốc lục địa và 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu).

- Địa chất (sự kéo dài tự nhiên rìa lục địa, bề dày lớp trầm tích, chân dốc lục địa).

- Độ sâu (đường đẳng sâu 2.500 m)1.

Sau khi xác định ranh giới TLĐ, quốc gia ven biển phải gửi cho Ủy ban Ranh giới TLĐ và Tổng Thư ký Liên hợp quốc các tài liệu có liên quan để kiểm tra và công bố cho các thành viên Liên hợp quốc.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia tuyên bố về đường cơ sở, vùng đặc quyền kinh tế và TLĐ không phù hợp với quy định của Công ước. Điển hình, Trung Quốc đưa ra Tuyên bố về đường cơ sở năm 1996, Tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998 có nhiều nội dung không phù hợp với quy định của Công ước. Trung Quốc đã vạch đường cơ sở, xác định TLĐ cho quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Trung Quốc đã coi quần đảo Hoàng Sa như một “quốc gia quần đảo” để vạch đường cơ sở và TLĐ cho quần đảo này. Đặc biệt, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” (yêu sách đối với 80% diện tích của Biển Đông)2, “ôm trọn” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và gửi bản đồ yêu sách cho Ủy ban Ranh giới TLĐ của Liên hợp quốc. Trung Quốc chưa đưa ra giải thích chính thức về yêu sách “đường lưỡi bò” của mình... Có thể khẳng định: Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý quốc tế và cơ sở lịch sử. Các nước ASEAN đều lên tiếng phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, thể hiện trong Công hàm phản đối của Việt Nam và Ma-lai-xi-a ngày 8-5-2009; In-đô-nê-xi-a ngày 8-7-2010, Kháng thư của Phi-líp-pin ngày 5-4-2011 đã chỉ ra việc Trung Quốc không thể đòi yêu sách về các vùng biển mà không dựa vào nguyên tắc “đất thống trị biển” và các quy định của Công ước. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc gây quan ngại cho các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Thềm lục địa Việt Nam

Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12-5-1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quy định khẳng định: “Thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất đưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam”.

Các đảo và quần đảo xa bờ biển của Việt Nam đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. 

Theo tuyên bố trên, TLĐ của Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất đưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; ở nơi nào TLĐ không đến 200 hải lý (khu vực biển miền Trung Việt Nam) thì cũng được tính 200 hải lý; đối với những khu vực TLĐ của Việt Nam không tiếp giáp hoặc chồng lấn với TLĐ của nước khác (khu vực biển phía Đông Nam Việt Nam) thì TLĐ ở khu vực đó được mở rộng hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở theo quy định của Công ước. Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về TLĐ của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết các điều ước quốc tế phân định vùng đặc quyền kinh tế, TLĐ với Thái Lan (năm 1997); In-đô-nê-xi-a (năm 2003), phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, TLĐ trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (năm 2000) và đang tiến hành đàm phán phân định khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam và Cam-pu-chia chưa phân định ranh giới các vùng biển, nhưng đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử chung giữa hai nước năm 1982; Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã thoả thuận khai thác chung vùng chồng lấn TLĐ (chưa phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, TLĐ); phân định các vùng biển với Cam-pu-chia, sau đó sẽ tiến hành đàm phán phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, TLĐ với Ma-lai-xi-a; phân định các khu vực chồng lấn liên quan nhiều bên (Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Thái Lan...). Đây là những vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm và có liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi một quá trình đàm phán lâu dài mới có thể giải quyết được.

Theo quy định của Công ước (Khoản 3, Điều 77) “Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào” ý nói, đây là quyền đương nhiên của quốc gia ven biển mà không phải phụ thuộc vào các điều kiện nào khác... Vì vậy, các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam, cũng như các lực lượng dân sự tham gia quản lý, bảo vệ các vùng biển của Việt Nam phải đề cao trách nhiệm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, kể cả các vùng biển còn đang tranh chấp với các nước hữu quan.

Đại tá, PGS, TS Phạm Công Chiến - Đại tá, ThS Nguyễn Văn Thủy

Bình luận

ZALO