Biên phòng - Hiện nay, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là yếu tố then chốt, có tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xóa đói, giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, trình độ dân trí toàn vùng nói chung còn ở mức thấp.
Nguồn nhân lực được coi là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của mọi tổ chức và tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và mỗi quốc gia. Điều này được Đảng và Nhà nước thấy rõ và nhấn mạnh trong chiến lược phát triển KT-XH Việt Nam giai đoạn 2011-2020: “Phát triển nhanh nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá nhằm đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nằm trong xu thế chung của đất nước, công tác phát triển nguồn nhân lực DTTS&MN được xác định là then chốt để phát triển KT-XH và xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thực trạng và thách thức
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho vùng DTTS&MN. Đến nay, đã có hàng vạn người DTTS có trình độ đại học, hàng ngàn người có trình độ thạc sĩ; 235 người được phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 9 Nghệ sĩ Nhân dân, 56 Nghệ sĩ Ưu tú; 5 Thầy thuốc Nhân dân, 151 Thầy thuốc Ưu tú; 4 Nhà giáo Nhân dân, 52 Nhà giáo Ưu tú và 240 Nghệ nhân Ưu tú. Vùng DTTS&MN đã có 1.022 lượt người được bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa; 145 lượt đảng viên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa. Hiện nay, có 50 đồng chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, được phân công giữ các chức vụ quan trọng, như Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó các Ban của Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dù đã đạt được những thành tựu như vậy, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều hạn chế. Theo điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2015, tỉ trọng lao động trong nông nghiệp vùng DTTS lên tới 81,41%; tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật rất thấp (6,11%), đặc biệt, có 12/53 dân tộc tỉ lệ lao động qua đào tạo ở mức dưới 2%. Thực tế vẫn còn nhiều người DTTS trong độ tuổi đi học không biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS còn ít và có cán bộ chưa qua đào tạo cơ bản. Thực tế này đang tạo ra nhiều thách thức cho việc phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN.
Cần giải pháp toàn diện và lâu dài
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng nhân lực vùng DTTS&MN là đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN không phải là vấn đề giải quyết trước mắt mà cần những giải pháp toàn diện và lâu dài. Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Quắc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho rằng: Cần làm cho toàn xã hội có chung nhận thức phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực vùng DTTS&MN nói riêng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước. Đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS&MN cần được coi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.
Ông Quắc đề xuất: “Các cấp chính quyền cần có chính sách đặc thù đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng DTTS&MN để họ có điều kiện an cư lạc nghiệp lâu dài với sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, các địa phương cần mạnh dạn, chủ động cử con em vùng DTTS&MN đi học đại học và sau đại học ở nước ngoài nhằm tiếp thu những kiến thức khoa học-kỹ thuật tiên tiến của thế giới về phục vụ địa phương mình”.
Theo ông K’Mask, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, để phát triển nhân lực vùng DTTS&MN phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực vùng DTTS&MN như: Chính sách việc làm; chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực; đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của từng địa phương.
Tiếp cận vấn đề phát triển nhân lực vùng DTTS&MN ở góc độ giới, bà Trần Thị Hoa Ry, đại biểu Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu phát hiện ra rằng, còn sự bất bình đẳng khá lớn trong đào tạo cho phụ nữ và nam giới. Bà Hoa Ry đưa ra ví dụ cụ thể: “Nam và nữ đi học ở các cấp cùng độ tuổi, nhưng quy hoạch đào tạo cao cấp lý luận chính trị tập trung và học sau đại học lại quy định nữ dưới 35 và nam dưới 40 tuổi. Điều này làm cho phụ nữ mất cơ hội được quy hoạch bồi dưỡng đào tạo so với nam giới. Bên cạnh đó, độ tuổi dưới 35, phụ nữ thường mang thai và nuôi con nhỏ, trong khi các trường đào tạo lại không có nhà trẻ. Hiện, vẫn chưa có chính sách hỗ trợ phụ nữ được đưa đi đào tạo khi có con dưới 36 tháng tuổi, nên phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn”.
Bà Hoa Ry đề nghị, Nhà nước cần rà soát, sửa đổi các chính sách còn chưa phù hợp, để tạo cơ hội học tập và phát triển cho cả hai giới theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo, đào tạo lại và tạo nguồn cán bộ nữ dài hạn, có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác cán bộ nữ và hỗ trợ trẻ em gái.
Với sự nhìn nhận giáo dục là khâu đột phá trong phát triển nhân lực vùng DTTS&MN, bà Nay H’Tuyết, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho rằng: Nhà nước cần đầu tư hiệu quả hơn cho ngành giáo dục và đào tạo. Theo đó, cần tập trung đầu tư, củng cố phát triển và xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngoài ra, cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý ở các ngành học, cấp học, đặc biệt là số cán bộ giáo viên là người DTTS.
Bích Nguyên