Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 08:42 GMT+7

Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

Biên phòng - Ngày 14-5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Bích Nguyên

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt tăng trưởng khá; riêng thị trường EU có xu hướng giảm.

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lớn cũng đã thảo luận, chia sẻ các khó khăn trong tiêu thụ nông sản hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải phong tỏa, cách ly do dịch Covid-19.

Theo đó, việc xuất khẩu nông sản vẫn gặp những khó khăn nhất định cần tập trung giải quyết. Đó là những nút thắt về vốn tín dụng, áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn ứ đọng hàng hóa. Một khó khăn nữa là hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế.

Để giải quyết những vấn đề trên thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương điều chỉnh sản xuất nông nghiệp tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay), tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch.

Đồng thời, triển khai chính sách ưu đãi lãi vay đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, phối hợp bàn giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Bộ Công thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc, đặc biệt tại các cửa khẩu. Các địa phương phải tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò, phối hợp với ngành chức năng để thông tin kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai ở các địa phương.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO