Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:29 GMT+7

Tìm giải pháp thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN

Biên phòng - Thương mại nội khối ASEAN hiện tương đối thấp so với các khu vực khác. Nếu 10 nước thành viên đặt quyết tâm cao và nỗ lực vượt qua những khó khăn hiện hữu thì chắc chắn sẽ đạt mục tiêu thúc đẩy thương mại nội khối.

ei4j_26a
ASEAN đang đứng thứ 4 trên thế giới với tổng giá trị hơn 700 tỷ USD về thương mại hàng hóa. Ảnh: TTXVN

Cần đạt tốc độ tăng trưởng 9,1%

Nền kinh tế của ASEAN hiện đứng thứ 5 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 đạt khoảng 3.000 tỷ USD. ASEAN cũng được quốc tế khẳng định là khu vực năng động nhất toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế toàn khối đạt 5,4%, trong khi trung bình toàn cầu là 4%.
Về thương mại hàng hóa, ASEAN đang đứng thứ 4 trên thế giới với tổng giá trị hơn 700 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài (FDI) tại ASEAN cũng giữ mức tăng trưởng khoảng 4,4% và là nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn thứ 3 trên thế giới.

Dù giữ được thứ hạng cao và có đà tăng trưởng tốt, song ASEAN vẫn đang tồn tại nhiều thách thức. Ông Aladdin D. Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN (Ban Thư ký ASEAN) đánh giá, thương mại nội khối ASEAN đang có chiều hướng giảm đi trong những năm qua và hiện chỉ chiếm khoảng 23%. Đây là con số thấp so với các khu vực khác trên thế giới. 

Trước thực trạng phải đối diện với nhiều thách thức về thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN, ông Aladdin D. Rillo cho rằng, thương mại nội khối cần phải đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 9,1% để thực hiện được mục tiêu tăng gấp đôi vào năm 2025. Cùng với đó là một số giải pháp như nghiên cứu thêm các nhóm sản phẩm giá trị cao; tăng cường hội nhập tài chính... Ông Aladdin D. Rillo nhấn mạnh, dù thúc đẩy thương mại nội khối là nhiệm vụ khó khăn, nhưng khi ASEAN nỗ lực và quyết tâm cao thì sẽ thực hiện tốt.

Cùng quan điểm trên, ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN đánh giá, trong khối ASEAN, sự cạnh tranh vẫn còn lớn hơn sự hợp tác giữa các nền kinh tế. Chính vì vậy, ASEAN cần phải có quyết tâm đủ lớn và cụ thể hóa bằng những biện pháp mạnh. Liên hệ với kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu (EU), ông Chris cho rằng, với mục tiêu phát triển cộng đồng kinh tế đồng nhất thì việc cần làm là tạo ra những cơ chế chung về kinh tế. Điển hình như ở châu Âu có Tòa án châu Âu và Ủy ban châu Âu là những cơ chế có thẩm quyền và sức tác động lớn tới kinh tế nội khối EU.

Kiến tạo giải pháp

Đánh giá về sự hợp tác giữa các nước trong ASEAN, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, điểm mạnh của ASEAN là các thành viên có các nền kinh tế khá tương đồng, tạo ra nền tảng hợp tác rất tốt. Trong khi đó, những năm gần đây, các nước ASEAN có xu hướng hợp tác ngoại khối thay vì nội khối. Trước những thách thức về thúc đẩy thương mại nội khối, ASEAN cần có sự đa dạng thương mại giữa các nước thành viên; chú trọng tính bổ trợ giữa nền kinh tế nội khối và phải khai thác hiệu quả các lĩnh vực tiềm năng.

Đối với các đối tác của ASEAN, ông George Yeo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore nhìn nhận, Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu hiện đang đẩy mạnh hợp tác và phát triển tại thị trường Đông Nam Á. ASEAN cần có thúc đẩy chính sách kinh tế cởi mở, bởi đây sẽ là động lực cho ASEAN đẩy mạnh phát triển một cách toàn diện. Bên cạnh việc chú trọng tới thúc đẩy thương mại nội khối, ASEAN cũng cần tăng cường thu hút đầu tư từ bên ngoài nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, hiệu quả hơn. Trên thực tế, cơ hội thu hút đầu tư là rất lớn từ các ngân hàng khu vực như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và thậm chí mang tầm toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB)...

h10j_26b
Để có được lời giải cho bài toán thúc đẩy thương mại nội khối, 10 nước ASEAN cần tăng cường hợp tác, cải cách thể chế. Ảnh: AFP

Theo ông Võ Chí Thành, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), việc cần làm trước tiên là lĩnh vực dịch vụ, logistics nhằm đáp ứng quá trình chu chuyển từ nhà “sản xuất gốc” đến “người tiêu dùng cuối cùng”. Cùng với đó là thúc đẩy nền kinh tế số, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trong ASEAN. Mặt khác, nền tảng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khối ASEAN cũng cần phải được ưu tiên, chú trọng, điển hình như việc tạo điều kiện tiếp cận tài chính... Đây được xem là “chìa khóa” giúp củng cố “nội lực” cho doanh nghiệp của ASEAN. Ông Võ Chí Thành cũng đánh giá, các nước thành viên của ASEAN đang cho thấy nỗ lực mạnh mẽ trong việc củng cố nội lực của khối mà điển hình cho hiệu quả khắc phục khó khăn là việc đẩy mạnh cơ chế Một cửa ASEAN, cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đánh giá cao hiệu quả trong suốt bề dày thành tựu của ASEAN, ông Saysana Sayakone, Trưởng quan chức kinh tế cấp cao ASEAN của Lào khẳng định, nếu giảm rào cản chính sách, biện pháp phi thuế quan thì thương mại nội khối sẽ được thúc đẩy mạnh. Bởi trên thực tế, việc các nước ASEAN có xu hướng giảm thuế quan nhưng tăng biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước sẽ là một thách thức lớn để thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN. Trong khi đó tại ASEAN, hầu hết thuế quan giữa các nước thành viên bằng 0, trong đó đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực đầu tư và dịch vụ. Trên thực tế, với sự hướng tới các hiệp định thương mại đa phương, ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực đang ở khoảng trên 60% với xu hướng tăng dần lên.

Trong thời gian tới, để có được lời giải cho bài toán thúc đẩy thương mại nội khối, ngoài việc áp dụng những biện pháp mạnh cùng tham vọng đủ lớn, 10 nước ASEAN cũng cần tăng cường hợp tác, cải cách thể chế. Đây sẽ là nguồn động lực “then chốt” để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển mạnh mẽ và bền vững. 

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO