Biên phòng - Rừng phòng hộ (RPH) có vai trò quan trọng đối với đời sống con người, nhưng nó đang bị tàn phá nghiêm trọng dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Trước thực trạng đó, vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Vụ Quản lý rừng đặc dụng và RPH (Tổng cục Lâm nghiệp) đồng tổ chức Hội thảo “RPH tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường”.

Còn nhiều khó khăn
RPH Việt Nam đặc trưng bởi tính đa mục đích, đảm nhận các chức năng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai và điều hòa khí hậu; đồng thời, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương và đời sống cộng đồng sống gần rừng. RPH Việt Nam bao gồm: RPH đầu nguồn; RPH chắn gió, chắn cát bay; RPH chắn sóng, lấn biển; RPH bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, thực tế, nhiều năm qua, hệ thống RPH đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo tính toàn vẹn về diện tích và chức năng sinh thái, xã hội.
“Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích RPH liên tục giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT-XH. Nhiều dự án phát triển chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, suy giảm chất lượng rừng..., sạt lở đất rừng tăng cao” (Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng).
Nhiều chuyên gia đã khẳng định, mất RPH đầu nguồn là nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở đất với hậu quả ngày càng nặng nề và khốc liệt. Thực tế này đặt ra các yêu cầu cấp thiết về củng cố, mở rộng, làm giàu hệ thống RPH hiện có, đồng thời cân nhắc các hành động chuyển đổi RPH (là rừng tự nhiên) sang các mục đích sử dụng khác. Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến tham vấn rất thiết thực:
Bà Nguyễn Hải Vân, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, trong giai đoạn 2004-2014, diện tích RPH Việt Nam đã giảm hơn 1,7 triệu ha, tương đương tốc độ suy giảm trung bình là 2,3%/năm. Trong đó, RPH là rừng tự nhiên giảm tới 1,43 triệu ha (chiếm tới 84,1%)... Trong số 59 Ban Quản lý RPH trong phạm vi đánh giá, đã có tất cả 168 lần thay đổi diện tích, trong đó có 118 lần là thay đổi giảm diện tích.
“Lý do thay đổi diện tích do rà soát thay đổi quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi RPH sang rừng sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như làm thủy điện, khai thác khoáng sản” - Bà Nguyễn Hải Vân chia sẻ. Bà Vân cũng khẳng định, không chỉ diện tích RPH bị suy giảm, thảm thực vật bị chia cắt, mà còn có tình trạng RPH bị phân mảnh dẫn tới chất lượng rừng suy giảm.
Những giải pháp
Trên phương diện là cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ Quản lý rừng đặc dụng và RPH (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, để góp phần quản lý tốt diện tích RPH cần huy động nguồn vốn xã hội; gia tăng giá trị của ngành. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phối hợp các lực lượng, các cơ quan liên quan trong bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Trung tâm Môi trường và Thiên nhiên đưa ra những hoạt động nâng cao sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và phát triển rừng gồm: Tổ chức lại các tổ bảo vệ rừng hiện có ở các thôn (làng/bản) và xây dựng mô hình “Tổ lâm nghiệp cộng đồng”, do UBND xã trực tiếp quản lý và giám sát, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị chủ rừng. Tập huấn nâng cao năng lực và tuyên truyền giáo dục cho các Tổ lâm nghiệp về phát triển các mô hình sinh kế, phát triển bền vững cộng đồng dựa vào nội lực. Đào tạo kỹ năng mềm cho các tổ lâm nghiệp cộng đồng. Tập huấn về kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng, sử dụng thiết bị kỹ thuật trong việc quản lý rừng, báo cáo vi phạm rừng, nâng cao hiểu biết về pháp luật bảo vệ rừng, kết hợp với giám sát đa dạng sinh học...
Theo ông Mai Văn Đảm (Phó ban quản lý RPH Thạch Thành, Thanh Hóa), muốn giữ được RPH phải tạo được sinh kế bền vững cho người dân. Ông Lê Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La gợi ý, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, số tiền bị chia nhỏ nên mức chi vẫn còn thấp, chưa đảm bảo đời sống cho người dân làm nghề rừng và không tạo thành động lực để bảo vệ rừng. Do vậy, cần tăng cường đôn đốc thu các loại dịch vụ mới, tránh để tình trạng nợ đọng và lồng ghép các nguồn vốn để nâng cao thu nhập đảm bảo cho nguời dân sống được bằng nghề rừng.

Việt Nam đang có những cơ hội tốt để cải thiện công tác quản lý, bảo vệ hệ thống RPH (đầu nguồn), thể hiện qua quyết tâm của Nhà nước về “đóng cửa rừng tự nhiên”, tăng cường thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cải thiện quản trị lâm nghiệp, củng cố đầu mối tham mưu quản lý Nhà nước về RPH (thành lập Vụ Quản lý rừng đặc dụng và RPH thuộc Tổng cục Lâm nghiệp)...
Tuy nhiên, với sức ép ngày càng tăng lên tính toàn vẹn của hệ thống RPH, cũng như sự suy giảm khả năng đảm bảo an ninh môi trường - sinh thái, có rất nhiều vấn đề và thách thức đặt ra cần được hiểu rõ, đồng thuận để có giải pháp can thiệp hiệu quả. Đó là: Chia sẻ các lợi ích và các cơ chế khuyến khích tham gia của cộng đồng trong vấn đề quản lý, bảo vệ, sử dụng, phục hồi RPH bền vững; xác lập hệ thống giám sát quản trị RPH để hỗ trợ đối với các chính sách của Nhà nước hay đầu tư tài chính, huy động các nguồn lực xã hội, cơ chế hợp tác công tư trong quản lý, bảo vệ RPH...
Nguyễn Thanh