Biên phòng - Chăn nuôi lợn đang tạo thu nhập cho khoảng 1/3 số hộ nông dân sản xuất nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, hình thức chăn nuôi nông hộ rất phổ biến ở vùng biên giới, dân tộc thiểu số và đóng góp đáng kể vào thu nhập của các hộ dân. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ đang chịu nhiều tác động nhất từ dịch bệnh.

Thu nhập cho hơn 3 triệu nông hộ
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành hàng lợn Việt Nam tạo thu nhập cho hơn 3,4 triệu hộ dân trong tổng số 9,32 triệu hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Việt Nam là nước xếp thứ 5 trong top 10 quốc gia sản xuất thịt lợn với sản lượng móc hàm đạt 2,8 triệu tấn (2018), sau Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Brazil, Nga. Những năm trước đây, chăn nuôi lợn tăng trưởng với tốc độ 1,5%/năm. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn những năm qua liên tục lâm vào tình trạng bất ổn về cung - cầu khiến đầu ra luôn bấp bênh, giá lợn hơi xuất chuồng luôn biến động ngoài tầm kiểm soát.
Từ cuối 2016 đến hết năm 2017, giá lợn giảm mạnh, quanh mức 25.000-30.000 đồng/kg và giảm sâu khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu nổ ra hồi đầu năm 2019. Dịch tả lợn châu Phi đã tác động đến cung - cầu, giá cả thị trường. Đến cuối năm 2019, giá thịt lợn tăng “phi mã” và ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức hơn 100.000/kg do chưa tái đàn đủ.
Các hộ nông dân nuôi lợn bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tác động của dịch bệnh, đặc biệt không được hưởng lợi nhiều dù giá lợn tăng cao. Nghiên cứu về tác động của dịch bệnh tới cung - cầu ngành hàng lợn và sinh kế hộ chăn nuôi trong năm vừa qua cho thấy, còn khoảng cách lớn về giá giữa người bán lẻ và người chăn nuôi, khiến lợi nhuận của nông hộ chăn nuôi thấp. Cục Chăn nuôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khác khiến thịt lợn khó giảm giá là lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian, làm tăng giá thịt lợn (gần 43%).
Trong 2 năm 2018-2019, hàng trăm nghìn hộ chăn nuôi đã bị thua lỗ do dịch bệnh cùng với giá thịt lợn thấp. Khi giá thịt lợn lên cao, nông dân chăn nuôi nhỏ lại không có lợn xuất bán. Vì thế, người nông dân nuôi lợn không được hưởng lợi. Tại thời điểm này, khi dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, việc tái đàn được khuyến khích, nhưng nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không đủ vốn để tái đàn. Ví dụ như tại Yên Bái, tỉ lệ chăn nuôi hộ gia đình chiếm 65% tổng đàn lợn của địa phương. “Khó khăn hiện nay trong tái đàn là con giống, tiếp đến là vốn. Chúng tôi đã phải giảm điều kiện về quy mô chăn nuôi và tăng mức hỗ trợ cho các hộ nông dân” - Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết.
Để phát triển bền vững
Ông Nguyễn Việt Hưng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, rủi ro dịch bệnh tới ngành hàng lợn và sinh kế hộ gia đình chăn nuôi lợn trong bối cảnh hội nhập là rất lớn. Do đó, về lâu dài, phải có chiến lược phát triển chăn nuôi lợn bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, điều đầu tiên cần làm là phải tái đàn lợn thành công.
“Nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành chăn nuôi lợn. Chắc chắn không thể để giá lợn cao mãi như này được, sẽ phải có nhiều giải pháp để điều hành. Do đó, ngoài 15 doanh nghiệp nòng cốt chiếm khoảng 35% thị phần rất cần sự vào cuộc, chung tay của các trang trại, gia trại, chăn nuôi lợn nông hộ” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Về mặt giải pháp, ở góc nhìn từ địa phương, ông Duy cho rằng, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có giải pháp đảm bảo bình ổn, phát triển chăn nuôi lợn phục vụ trong nước và xuất khẩu, tránh mất cân đối cung - cầu và biến động giá, bởi địa phương cũng như các hộ chăn nuôi rất lo lắng về đầu ra sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh cung ứng con giống thương phẩm an toàn cho các hợp tác xã, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT hỗ trợ địa phương các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại, hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo, khuyến khích các địa phương tăng đàn, tái đàn, song phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học. Khai thác và phát triển nguồn gen giống lợn theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế.
Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh và hội nhập thành công, các chuyên gia khuyến nghị, cần phải tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng: Ưu tiên hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh, tổ chức chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến và kết nối thị trường theo các chuỗi liên kết khép kín. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt công tác tái đàn; hỗ trợ đền bù thiệt hại, hỗ trợ phát triển có trọng điểm; tăng cường công tác cảnh báo sớm, thông tin và dự báo thị trường.
Nguyễn Bích