Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 03:33 GMT+7

Tìm giải pháp ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản

Biên phòng - Sự khai thác quá mức cộng với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản của nước ta. Làm thế nào để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đang là vấn đề đặt ra với nhiều địa phương, nhất là các địa phương phụ thuộc vào kinh tế biển.

myuj_13a
Tăng cường nuôi biển để giảm thiểu suy thoái nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Bích Nguyên

Suy giảm cả về thành phần loài, quy mô và kích cỡ

Chúng tôi có mặt tại cảng cá phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khi con tàu của anh Phạm Gia Sơn vừa cập bến sau 1 ngày ra biển. Boong tàu chứa đầy cá, chủ yếu là cá con. Anh Sơn cho biết, tàu của anh làm nghề giã bay, đi biển 1 ngày là về, đánh được khoảng 8 tấn cá. So sánh với những mùa biển trước, anh Sơn bảo rằng: “Sản lượng đánh bắt rất phập phù, bữa được, bữa “đói”. Nhìn chung, mấy năm gần đây, cá ít hơn nhiều so với trước”.

Ông Ngô Văn Nhuần, thuyền trưởng một con tàu 400CV cập mạn bên cạnh tàu anh Sơn góp chuyện: “Chúng tôi đánh bắt cá từ vùng biển Thanh Hóa đến khu vực đảo Bạch Long Vỹ từ 5 đến 20 ngày. Bây giờ làm ăn ngày càng khó khăn. So với 5 năm về trước, việc đánh bắt cá kém hiệu quả hơn do cá ngày càng ít”.

Suy giảm nguồn lợi thủy sản hiện là tình trạng chung ở các địa phương trên cả nước. Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết: “Theo điều tra đánh giá về nguồn lợi thủy sản của các chương trình nghiên cứu và ý kiến của nhiều người dân hoạt động lâu năm trong nghề thủy sản thì nguồn lợi thủy sản đã suy giảm về thành phần loài, quy mô và kích cỡ”.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ  trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản khẳng định: “Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật, trong đó có khoảng 2.038 loài cá, 6.000 loài động vật đáy, 225 loài tôm biển, 5 loài rùa biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 653 loài rong biển, 14 loài cỏ biển, hơn 400 loài san hô, 657 loài động vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn và 43 loài chim nước. Giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam phong phú về thành phần loài, sinh vật và các kiểu hệ sinh thái”.

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 9 tỷ USD. Kết quả này đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ sinh thái thủy sinh (hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển...) bị suy thoái nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi.

Theo ông Triều, một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm là do tác động tiêu cực của con người. Nguồn lợi thủy sản chịu sức ép của việc khai thác quá mức với cường độ cao trong khoảng thời gian dài với các loại ngư cụ và kỹ thuật khác có tính chất sát hại nguồn lợi, đánh bắt nhiều loại tôm, cá con, cả bố mẹ ngay trong mùa sinh sản. 

Cơ cấu lại ngành khai thác thủy sản

Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng cho rằng: “Quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái là công cụ hỗ trợ phát triển bền vững và tạo ra các lợi ích về mặt sinh thái một cách tối đa trong các khu vực có hoạt động nghề cá”.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, khu bảo tồn biển (KBTB) được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên, như: Nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm. Hiện nay, Việt Nam có 16 KBTB, chiếm diện tích bằng khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam. Gần 70.000ha rạn san hô, 20.000ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế, gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp được quản lý trong hệ thống các KBTB đến năm 2020. Các KBTB trong hệ thống quốc gia đầu tiên này phân bố đại diện cho toàn vùng biển và nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra “cân bằng sinh thái” trong toàn vùng biển: Sau 3 năm quản lý tốt sẽ tạo ra hiệu ứng phục hồi trong KBTB và sau 5 năm sẽ xuất hiện “hiệu ứng tràn” phát tán nguồn giống và dinh dưỡng ra khu vực biển bên ngoài KBTB.

rlyn_13b
Việc khai thác quá mức là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: Bích Nguyên

Nhằm ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép; kiểm soát các nghề, ngư cụ cấm, khu vực và thời gian cấm khai thác, sử dụng chất nổ, xung điện... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản... Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong năm 2019, 54/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thả hơn 91 triệu con giống xuống các thủy vực tự nhiên, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2018. Đặc biệt, một số địa phương thả hàng chục triệu tôm sú giống, các loài thủy sản quý, hiếm và cá thể bố, mẹ, trưởng thành như: Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Ninh.

Thực tế, vùng ven biển tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế, vì vậy, cần áp dụng phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ. Đây được coi là một giải pháp để giảm xung đột trong phát triển, giảm áp lực đến môi trường, qua đó bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần triển khai thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường biển trên toàn quốc và xử lý triệt để nếu sai phạm.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO