Biên phòng - Nâng cao chất lượng lao động dân tộc thiểu số (DTTS), nói rộng hơn là phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm. Điều đó thể hiện ở một loạt hệ thống chính sách đã được ban hành. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn nhân lực vùng DTTS vẫn còn nhiều hạn chế. Thực trạng này đòi hỏi cần phải đánh giá lại việc thực thi các chính sách cũng như xem xét một cách toàn diện các khâu đào tạo nghề, giải quyết việc làm, gắn kết với thị trường lao động…
Chỉ có hơn 6% lao động qua đào tạo
Hiện, nước ta có hơn 13 triệu người thuộc 53 DTTS. Vùng DTTS đến nay vẫn là vùng chậm phát triển và có khoảng cách chênh lệch khá lớn so với sự phát triển chung của cả nước. Lao động vùng DTTS về cơ bản vẫn là lao động phổ thông, tỷ lệ qua đào tạo mới khoảng 6% (chỉ bằng hơn 1/3 so với tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước).
Trong số hơn 9,38 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên, có gần 8,08 triệu người có việc làm, chiếm tỷ lệ 86,1%. Nhiều dân tộc có chỉ tiêu này rất cao, trên 90% như dân tộc Mông, Dao, Ba Na, Xinh Mun, Phù Lá, La Ha, Cống, Cờ Lao... Con số này tỏ ra khả quan hơn so với con số phản ánh bình quân chung của cả nước (76,1%).
Tuy nhiên, số liệu trên không thể phản ánh được hết bản chất khi đề cập đến loại hình, chất lượng và hiệu quả việc làm của lao động DTTS cũng như tính khoa học trong đo lường việc làm của lao động DTTS. Lao động DTTS thường bắt đầu làm việc sớm hơn do lao động DTTS ít được đào tạo. Ở độ tuổi cao (trên 55), chất lượng lao động DTTS bắt đầu giảm sút rõ rệt, nhất là về thể trạng, sức khỏe, trong khi loại hình lao động chủ yếu là lao động phổ thông.
Một thực trạng đáng quan tâm nữa là chuyển dịch cơ cấu việc làm vùng DTTS chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp lâm nghiệp và phi chính thức (trên 80%) với tỷ lệ bình quân lên đến 81,9%, cao hơn gần gấp đôi so với bình quân chung cả nước (44%). Đặc biệt, có tới 20/53 DTTS có chỉ tiêu này cao trên 95%. Ngoại trừ một số dân tộc như Hoa, Ngái, Sán Dìu, Chăm, Khmer, Chơ Ro... tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp thấp
Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng, năng lực làm việc, khả năng thích nghi của lao động DTTS còn nhiều hạn chế. Việc hội nhập nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội còn nhiều bất cập, kỹ năng sống chưa được hoàn thiện và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Tình trạng thiếu việc làm, nhất là ở thanh niên, ngày càng gia tăng.
Phát triển nguồn nhân lực gắn với đào tạo
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, tiếp cận từ góc độ đào tạo gắn với giải quyết việc làm, một số chuyên gia cho rằng, trước hết cần phải giải quyết vấn đề trình độ dân trí thấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Đại học Thái Nguyên cho rằng: “Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS cần phải coi trọng khâu giáo dục – đào tạo từ những cấp học thấp nhất gắn với môi trường sống của đồng bào DTTS. Vấn đề cốt lõi để phát triển giáo dục ở vùng DTTS là xây dựng và phát triển môi trường sống - yếu tố quyết định để hình thành năng lực và phẩm chất con người. Giáo dục không thể tách khỏi yếu tố môi trường điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa... và nó thể hiện rõ vị trí chủ đạo chỉ khi hòa nhập được các yếu tố con người - môi trường và giáo dục. Do vậy, chính sách bền vững là tạo điều kiện tốt nhất về môi trường sống; với thái độ tôn trọng và đề cao năng lực tại chỗ, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao ở vùng DTTS còn nhiều khó khăn”.
Một trong những gợi ý khác để phát triển giáo dục vùng DTTS là cần quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), bán trú, ưu tiên xây trường PTDTNT ở những huyện có đủ tiêu chí, xây dựng các trường bán trú tại các xã biên giới, đặc biệt khó khăn. Đồng thời tăng chỉ tiêu, mở rộng đối tượng, địa bàn tuyển sinh vào các Trường Trung học PTDTNT cấp tỉnh; nâng mức học bổng cho học sinh DTNT và định mức hỗ trợ học sinh dân tộc bán trú.
Song song với việc đầu tư cho giáo dục, cần tích hợp chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS để tránh chồng chéo về mục đích, nội dung, đối tượng thụ hưởng và trùng lặp về địa bàn triển khai. Đồng thời, ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng DTTS, tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào; hỗ trợ đầu tư giúp các vùng DTTS khôi phục, bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống. Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ phát triển mạnh mẽ thị trường lao động, có chính sách ưu tiên lao động là người DTTS. Cần quan tâm xuất khẩu lao động cho đối tượng là đồng bào DTTS.
Một giải pháp quan trọng, mang tính định hướng là phải đổi mới cách tiếp cận và xây dựng chính sách cho vùng miền núi và DTTS nói chung và chính sách phát triển nguồn nhân lực DTTS nói riêng. Đây là động lực quan trọng nhất, mang tính quyết định để nguồn nhân lực các DTTS phát triển theo.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả một số chính sách đặc thù liên quan đến phát triển nguồn nhân lực DTTS, trọng tâm là triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngọc Lan