Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

Tìm giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu

Biên phòng - Tính đến thời điểm sáng 20-12-2021, còn trên 4.500 xe hàng chờ thông quan tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, trên 3.000 xe là trái cây tươi, gây áp lực cho hạ tầng bến bãi và công tác phòng, chống dịch của địa phương này. Cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, BĐBP Lạng Sơn đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp điều tiết, tạo thuận lợi trong việc thông quan hàng hóa và đảm bảo an ninh trật tự khu vực cửa khẩu.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị điều tiết xe hàng hóa ở khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Văn Thượng

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu

Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, những ngày gần đây lượng xe hàng ừn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh tăng lên rất nhanh. Tính đến sáng 20-12, tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma còn tồn 4.598 xe hàng hóa. Cụ thể, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn 1.403 xe, cửa khẩu chính Chi Ma tồn 620 xe, cửa khẩu phụ Tân Thanh tồn 2.575 xe.

Nguyên nhân xe hàng ùn ứ là do phía Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch, thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa, phương tiện. Từ ngày 8-12, Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái điểm do có ca nghi nhiễm Covid-19 tại Trấn Ái Điểm. Ngày 15-12, phía Trung Quốc tiếp tục dừng hoạt động XNK qua cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài do lỗi mạng. Như vậy, hiện chỉ còn 1 cửa khẩu hoạt động, điều này khiến cho hoạt động XNK càng khó khăn.

Theo Đại úy Nguyễn Anh Tú, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, lượng xe hàng từ nội địa dồn lên cửa khẩu những ngày qua nhiều hơn số xe được thông quan là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng ùn ứ. Hiện nay, năng lực thông quan chỉ bằng khoảng 30% so với thời gian trước do phía Trung Quốc thắt chặt công tác phòng, chống dịch, kiểm hóa, phun khử khuẩn… Mỗi xe hàng vào bãi chờ xuất hàng phải mất 30-40 phút mới qua được cổng kiểm soát của phía bạn so với 5-10 phút trước đây.

Đại úy Nguyễn Anh Tú cho biết, đơn vị đã tăng cường quân số tại các vị trí để phân luồng, phân tuyến, kiểm soát lối vào cửa khẩu chặt chẽ, hợp lý, tạo điều kiện tối đa cho thông quan nhanh nhất. Cán bộ của trạm cũng phối hợp với lực lượng y tế của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, kiểm soát tất cả các trường hợp vào khu vực cửa khẩu, đảm bảo lái xe phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ. Bên cạnh đó, trạm cũng bố trí 1 tổ cơ động gồm 10 đồng chí tuần tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch như: không đeo khẩu trang, khai báo y tế sai…

Đại úy Nguyễn Anh Tú cho biết thêm, trong thời gian qua, Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị làm việc tối đa công suất, hướng dẫn làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trong thời gian nhanh nhất.

Cùng với việc phân luồng, phân tuyến xe hàng vào cửa khẩu làm thủ tục thông quan, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã tăng cường trao đổi với lực lượng chức năng phía bạn nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Thượng tá Phạm Vũ Huynh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng quốc tế Hữu Nghị cho biết: “Chúng tôi thường xuyên trao đổi với Trạm Kiểm soát Biên phòng xuất nhập cảnh Hữu Nghị Quan, Trung Quốc đề nghị bạn tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa. Chúng tôi cũng trao đổi, đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Trung tâm Quản lý cửa khẩu trao đổi với lực lượng chức năng tương ứng của Trung Quốc tạo mọi điều kiện nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.

Kiên trì đám phán nâng cao năng lực thông quan

Bộ Công thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cho tới nay, nhờ nỗ lực của cả hai bên, hoạt động XNK hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng năng lực thông quan chưa được cải thiện nhiều do cả hai bên đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp chống dịch. Hơn nữa nhân lực tham gia vào quá trình XNK, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc cũng vẫn còn thiếu.

Lãnh đạo Bộ Công thương đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm tới các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Cụ thể là khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng, chống dịch cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Các lái xe vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh đều phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Trí Văn

Cục XNK, Bộ Công Thương đã có văn bản khuyến cáo gửi Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, hộ nông dân, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi... cần thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu. Đồng thời, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.

Trước tình trạng ùn ứ hàng hóa tại Lạng Sơn, ngày 18-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình XNK, thông quan hàng hóa và các vấn đề phát sinh tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, XNK hàng hóa để có giải pháp xử lý phù hợp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp...

UBND các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn về thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng và diễn biến hoạt động thông quan tại cửa khẩu. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối, điều tiết hàng đưa lên cửa khẩu hợp lý, hiệu quả. Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến để chủ động các phương án, kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO