Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 04:58 GMT+7

Tìm động lực giải quyết thách thức để phát triển khu vực Mekong

Biên phòng - Khu vực Mekong hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức như: Biến đổi khí hậu; an ninh nguồn nước; các diễn biến địa chính trị phức tạp; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Để giải quyết các thách thức tại tiểu vùng Mekong, bên cạnh việc thúc đẩy các nguồn lực, cơ hội phát triển, giới chuyên gia khẳng định, vai trò trung tâm của các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc xử lý các thách thức.

Quang cảnh Diễn đàn về Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ

Kết nối để tìm kiếm cơ hội

Diễn đàn về Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) vừa được tổ chức tại Thủ đô Brussels của Bỉ. Diễn đàn do các cơ quan đối ngoại, giao thông - việc làm công, môi trường, thương mại - đầu tư của vùng Flanders của Bỉ phối hợp tổ chức. Theo Ban tổ chức, sau hơn 2 năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, diễn đàn lần này là hoạt động trực tiếp đầu tiên nhằm triển khai thỏa thuận hợp tác giữa vùng Flanders và Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Theo truyền thông quốc tế, điểm nhấn đáng chú ý tại diễn đàn, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi quan điểm dựa trên định hướng tăng cường hợp tác giữa vùng Flanders và khu vực Mekong trong quản lý nguồn nước cũng như tìm kiếm các giải pháp ứng phó với các thách thức chung liên quan tới biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán và giao thông vận tải. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp của Flanders trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ cùng chung mong muốn được kết nối để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.

Tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo đã bày tỏ sự sẵn sàng trong việc phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa vùng Flanders và khu vực Mekong. Đồng thời nhấn mạnh, sự hợp tác dựa trên tinh thần hợp tác cùng có lợi.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, khu vực hiện nay đang đối mặt với những thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, gián đoạn chuỗi cung ứng... Trước thực trạng này, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đã đề xuất hợp tác giữa vùng Flanders và khu vực Mekong tập trung vào 2 lĩnh vực quan trọng bậc nhất hiện nay là quản lý nguồn nước xuyên biên giới và phát triển nông nghiệp công nghệ cao có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.

Đánh giá cao những thế mạnh của vùng Flanders, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cũng đề nghị các bên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ điển hình, thế mạnh của vùng Flanders. Đặc biệt là các công nghệ: Kho lạnh thông minh phục vụ xuất khẩu nông sản; sản xuất điện và nước sạch từ gió (waterbywind); xây dựng trung tâm logistics và hạ tầng vận tải đường sông…

Đối với riêng Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cũng nhấn mạnh, việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vì lợi ích chung là nhu cầu cần thiết. Vì vậy, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo chia sẻ kỳ vọng về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Bỉ trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần mang lại những kết quả hợp tác thực chất, nhất là khi hai nước tiến hành kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).

Được biết, vào tháng 11/2020, tại cuộc họp lần thứ 27 của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế, vùng Flanders đã chính thức trở thành đối tác phát triển của MRC và ký thỏa thuận tài trợ chương trình hợp tác trị giá 1,1 triệu euro (1,07 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2025.

Thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN

Cuối tháng 9 vừa qua, Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng chủ trì Diễn đàn Mekong lần thứ 2. Trong đó, tọa đàm được điều phối bởi Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao với diễn giả chính là Đại sứ Bilahari Kausikan, Chủ tịch Viện Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore. Phiên thảo luận có sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam và Tiến sĩ Lê Thu Hương của Trung tâm USAsia Perth (Australia). Phần hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều chính khách các nước, đại biểu của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, giới chuyên gia, học giả và báo chí quốc tế.

Một số đại biểu tại Diễn đàn Mekong lần thứ 2. Ảnh: Konrad Adenauer Stiftung

Đưa tin về sự kiện, truyền thông quốc tế dẫn các đánh giá từ giới chuyên gia cho hay, vấn đề Mekong đang ngày càng được dư luận quốc tế dành nhiều sự quan tâm. Trong đó, vấn đề Mekong được gắn với các vấn đề an ninh, phát triển và các quốc gia láng giềng quan trọng hàng đầu của Việt Nam, bao gồm các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trước tình hình thực tế, các đại biểu tham dự Diễn đàn Mekong lần thứ 2 cùng thảo luận về vấn đề phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tìm ra giải pháp cho các thách thức của tiểu vùng. Cùng với đó là các bước đi thực tế để thúc đẩy sự đồng thuận ASEAN đối với các vấn đề tại tiểu vùng Mekong.

Theo Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn, thực trạng hiện nay của tiểu vùng sông Mekong đang dẫn tới hệ quả là an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và vấn đề bảo vệ môi trường đang bị đe dọa trầm trọng. Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn cho rằng, hiện rất cần ưu tiên sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, cũng như từng quốc gia thành viên của ASEAN. Đồng thời tận dụng tối đa lợi thế của địa chính trị, cần xác định rõ lợi ích các bên để cùng nhau tìm ra một cơ chế giải quyết các thách thức hiệu quả.

Cũng tại diễn đàn này, Tổ chức KAS khẳng định sự cấp thiết phải phát huy vai trò quan trọng của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức trong khu vực. Cùng chung quan điểm, Đại sứ Bilahari Kausikan cho hay, thực trạng cạnh tranh giữa các nước lớn cùng các biến động về an ninh trên thế giới hiện nay đang tạo ra những tác động tới quá trình ASEAN tập trung giải quyết các vấn đề khu vực. Trong khi đó, các diễn biến trên Biển Đông cũng khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện hữu những sự quan ngại về ổn định.

Viện trưởng Kausikan cho rằng, trước bối cảnh thực tế, ASEAN có 2 phương tiện cần phát huy tối đa sức mạnh gồm Hiến chương và quan hệ song phương của các quốc gia thuộc ASEAN. Các quốc gia trong khu vực có quan hệ hợp tác tốt đẹp sẽ là nguồn sức mạnh kéo giảm xung đột, căng thẳng và tạo nên sự hòa bình, ổn định trong khu vực. Tương tự, vấn đề tại tiểu vùng Mekong không chỉ là vấn đề về địa chiến lược mà còn là vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thậm chí là an ninh nguồn nước và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai.

Giới chuyên gia cùng chung khẳng định, ASEAN cần thiết phải trở thành “lá cờ tiên phong” trong việc cùng nhau triển khai các giải pháp, chủ động có cơ chế can thiệp và giải quyết các thách thức của khu vực. Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, trong ASEAN, Việt Nam là quốc gia có khả năng trở thành nước tiên phong, cũng như là nhân tố quan trọng trong các nỗ lực này.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO