Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Tìm cơ chế hỗ trợ và phát triển điện gió

Biên phòng - Nhằm tìm kiếm các giải pháp phát triển điện gió tại Việt Nam, chiều 18-4, tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch (VCEA) Hồ Chí Minh và Hiệp hội Điện gió Bình Thuận tổ chức tọa đàm trực tuyến “Cơ chế hỗ trợ và phát triển điện gió”.

bvans1fdct-27584_f_k96tw8gn1_in_gi
Các tua bin điện gió ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTH

Tham dự tọa đàm có các chủ đầu tư, Quỹ đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học…

Thông tin tại buổi tọa đàm cho biết, tài nguyên gió của Việt Nam chủ yếu nằm dọc theo bờ biển dài hơn 3000 km, và ở các vùng đồi núi, cao nguyên ở miền Bắc và miền Trung.

Theo Bản Đồ Gió Toàn Cầu (Global Wind Atlas) ước tính, hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 m/s ở độ cao 65 m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7 m/s. Điều này tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW.

Tính đến yếu tố hạn chế về sử dụng đất, ngoại trừ các khu vực núi có độ dốc hơn 30%, các không gian gián đoạn có diện tích dưới 1 km² và các khu vực có khả năng tiếp cận lưới điện trong phạm vi 10 km, tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ vào khoảng 42 GW phù hợp triển khai dự án điện gió quy mô lớn.

Hiện trạng tình hình đầu tư phát triển các dự án điện gió đến tháng 3-2020 có: 78 dự án với tổng công suất khoảng 4,8 GW đã được bổ sung quy hoạch - 11 dự án với tổng công suất 377 MW đã vận hành phát điện; 31 dự án với tổng công suất 1,62 GW đã ký hợp đồng PPA và dự kiến đi vào vận hành năm 2020-2021. Ngoài ra còn 250 dự án với tổng công suất ~ 45 GW đang đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giá Fit (áp dụng cho mỗi kwh điện phát trên lưới) cho điện gió được điều chỉnh vào tháng 11-2018 rơi vào mức 85 USD/MWh áp dụng cho các dự án điện gió trên bờ và 98 USD/Kwh cho dự án ngoài khơi.

Tính đến thời điểm này, tương lai cho các dự án điện gió vận hành thương mại sau ngày 1 tháng 11 năm 2021 chưa được xác định. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương đề xuất và trình Chính phủ xem xét, quyết định cơ chế đấu thầu phát triển điện gió và giá mua điện. Tuy nhiên, ngày 9 tháng 4 năm 2020, Bộ Công thương đã có công văn số 2491/BCT-ĐL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét: Gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió ở Việt Nam đến tháng 12-2023; giao Bộ Công thương tính toán, đề xuất giá mua điện gió mới áp dụng cho các dự án điện gió có ngày vận hành từ 1-11-2021 đến 31-12-2023.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về vai trò của giá FIT đối với sự phát triển điện gió trong dài hạn; Phân tích và thảo luận các điểm hạn chế về giải tỏa công suất của lưới điện, xã hội hóa đầu tư lưới điện nhằm thúc đẩy phát triển điện gió (onshore/nearshore/offshore). Đồng thời đề xuất các giải pháp để thúc đẩy ngành Điện gió phát triển bền vững trong tương lai.

Về các chính sách trung và dài hạn để thúc đẩy điện gió ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có định hướng rõ ràng và lộ trình phát triển cho điện gió; đồng thời cần xem lại kết thị trường cho điện gió.

Ngoài việc cho rằng cần kéo dài cơ chế Fit với điện gió, các đại biểu cũng đề cập tới các chính sách khác như thuế, giấy phép cần có để triển khai điện gió ngoài khơi, cơ chế đấu thầu, trách nhiệm các bên tham gia…

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO