Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Tìm “chìa khóa” phát triển cho đồng bào các dân tộc thiểu số

Biên phòng - Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình, nhưng khoảng cách về mức sống giữa các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) và nhóm đa số đang ngày càng rộng hơn và rõ ràng hơn theo thời gian. Tỷ lệ nghèo của các nhóm DTTS cũng có sự khác biệt rất lớn. Các nghiên cứu gần đây đã phần nào chỉ ra rằng, có một số nhóm dân tộc đã vượt trội hơn các nhóm khác ở khía cạnh giảm nghèo và các chỉ số phát triển con người khác. Vậy, đâu là động lực phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm DTTS tại Việt Nam?

bmf7_11a
Cơ sở hạ tầng phát triển là một trong những yếu tố chính tác động tới sự phát triển của các DTTS tại Việt Nam. Ảnh: Thu Hằng

Kết nối hạ tầng và kinh tế - yếu tố then chốt

Xét theo chỉ số phát triển con người (HDI) và chỉ số nghèo đa chiều (MPI) các nhóm dân tộc Hoa, Tày, Sán Dìu, Mường, Giấy và Nùng được đánh giá là phát triển nhất trong các nhóm DTTS của Việt Nam. Các nhóm nằm “cuối bảng” là nhóm dân tộc Mông, Khơ Mú, Ralay, Xinh Mun. Ví như chỉ số MPI của người Sán Dìu là 27,1%, trong khi chỉ số này của nhóm Khơ Mú lên tới 91,7%. 

Xét trên khía cạnh thu nhập, dữ liệu từ Điều tra 53 DTTS cho thấy, mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của cá nhóm dẫn đầu như Mường, Sán Dìu hoặc gần đầu bảng như Khmer cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm Mông và Khơ Mú chỉ chưa bằng ½ mức thu nhập trung bình của các dân tộc. Do đó, tỉ lệ nghèo (tính theo thu nhập) của các nhóm đầu bảng thấp hơn rất nhiều so với các nhóm cuối bảng.

Xét trên khía cạnh phi tiền tệ, các nhóm đầu bảng đều bỏ xa các nhóm cuối bảng ở các khía cạnh này, nhất là khi so sánh điều kiện nhà ở, sử dụng điện, nước sinh hoạt, nhà xí hợp vệ sinh, cũng như các tài sản lâu bền khác. Tỷ lệ nghèo đa chiều từ khoảng 27,1% với nhóm Sán Dìu đến gần 88,2% với nhóm Mông

Nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (NHTG) đã chỉ ra 10 động lực phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm DTTS Việt Nam. Trong đó, kết nối hạ tầng và kết nối kinh tế, liên kết thị trường, cơ hội tham gia vào thị trường lao động là những yếu tố chính giúp một số nhóm DTTS có trình độ phát triển cao hơn hẳn những nhóm khác. 

Tỷ lệ hộ nghèo của các nhóm DTTS ở Việt Nam là 23% (2016), cao hơn gấp ba lần mức trung bình của cả nước. NHTG đã chỉ ra con đường thoát nghèo của những nhóm “đi đầu”, trong trường hợp này là dân tộc Mường và Sán Dìu, phụ thuộc một phần vào sự kết nối thuận tiện giữa nơi cư trú tới các cơ sở hạ tầng cơ bản và các cụm trung tâm kinh tế. Các nhóm dân tộc này có khả năng tiếp cận tốt hơn tới các nguồn lực giúp họ đa dạng hóa các hoạt động sinh kế.

Cụ thể hơn, các nhóm dân tộc này tham gia vào các hoạt động sản xuất và mua bán các cây trồng khác ngoài lúa, chủ động tìm kiếm công việc được trả lương ở các nhà máy và tìm cách tác động tích cực với các bên liên quan có khả năng quyết định phân bổ nguồn lực.

Các yếu tố khác có tác động tới sự phát triển của nhóm DTTS bao gồm sự sẵn có của tư liệu sản xuất, khả năng tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế, thiết chế truyền thống và quản trị địa phương, mối quan hệ giới, quan niệm về tộc người và khả năng tiếp cận với sự hỗ trợ từ bên ngoài. 

Xây dựng cách tiếp cận mới đối với vùng dân tộc thiểu số

Nghiên cứu của NHTG chỉ ra rằng, các yếu tố cản trở nhóm cuối bảng vươn lên thoát nghèo là do cư trú tại các vùng kết nối khó khăn. Bên cạnh đó, kết nối hạn chế với các trung tâm kinh tế là những cản trở cơ bản đối với các nhóm DTTS trong cải thiện đời sống. Hạn chế trong các cơ hội tham gia vào sản xuất hàng hóa do tiềm năng sinh kế nghèo nàn tại địa bàn dân cư cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của các nhóm cuối bảng. Một rào yếu tố khác nữa là hạn chế trong khả năng tiếp cận với các cơ hội trên thị trường lao động, nhất là việc làm có trả lương. Hạn chế này bắt nguồn từ những vấn đề như trình độ học vấn thấp, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và cả những bất lợi đối với phụ nữ.

Trên cơ sở, phân tích các yếu tố tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia NHTG tại Việt Nam cho rằng: “Có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự tăng tính hòa nhập xã hội bằng cách chủ động áp dụng cách tiếp cận mới đối với sự phát triển của các vùng DTTS”. 

Khẳng định một phương án chung không phù hợp cho tất cả các nhóm DTTS, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, cần có các phương án, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội khác nhau cho từng nhóm DTTS. “Các Chương trình mục tiêu quốc gia cần được tinh chỉnh để hiệu quả hơn” - Ông Ousmane Dione nói.

cmg9_11b
Chợ Mèo Vạc – trung tâm giao thương lớn nhất huyện Mèo Vạc. Ảnh: Thu Hằng

Theo NHTG, cần xác định lại trọng tâm của công tác dân tộc trong tương lai và thúc đẩy các chính sách và cơ chế hiện có. Các chính sách trong tương lai nên tập trung vào đầu tư hỗ trợ sản xuất và xây dựng năng lực, tiếp cận thị trường lao động, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đồng thời giảm thiểu những định kiến và kỳ thị xã hội. 

Việc đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng vùng DTTS cần được điều chỉnh để dành nguồn lực thích đáng và cơ chế phù hợp cho công tác duy tu và bảo dưỡng các công trình hiện có. Trọng tâm về phát triển cơ sở hạ tầng nên được hướng sang những vùng có điều kiện kết nối khó khăn nhất và cũng thường là địa bàn cư trú của những nhóm dân tộc ở cuối bảng thay vì trải đều trên toàn địa bàn các xã thuộc Chương trình 135. 

Bên cạnh đó, cần có các chính sách và biện pháp để phát huy tiếng nói và vai trò dẫn dắt thực sự của người có uy tín trong cộng đồng vào thực hiện và giám sát các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền. Một yếu tố nữa cần tính đến là phải tăng cường khả năng chống chọi với các cú sốc và tính dễ bị tổn thương trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS. 

Với những khuyến nghị trên, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của NHTG để lồng ghép chương trình nghị sự tăng tính hòa nhập xã hội của các vùng DTTS, qua các dự án đầu tư vào giao thông và cơ sở hạ tầng nông thôn và miền núi, đa dạng hóa nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. 

Thu Hằng

Bình luận

ZALO