Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, ưu tiên chọn lọc một số nội dung cụ thể, phù hợp

Biên phòng - 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng) do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng xác định đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả, thành tựu to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa Việt Nam dần trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. 

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: Tư liệu

Những năm qua, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh được cải thiện. Phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc thực hiện 3 đột phá chiến lược còn có những hạn chế, yếu kém. Đó là: Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ còn chậm; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu.

Với những thành tựu và hạn chế trong thực hiện 3 đột phá chiến lược thời gian qua cho thấy, để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, ưu tiên những chọn lọc một số nội dung cụ thể, phù hợp với bối cảnh và giai đoạn phát triển đất nước. Tập trung các vấn đề sau:

Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trước hết là hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Bảo đảm minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính Nhà nước và dịch vụ công; bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế.

Đồng thời, bảo đảm mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật; có cơ chế chính sách, phát triển các doanh nghiệp thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Tập trung hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ những giải pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Phát triển các loại thị trường, trong đó tập trung phát triển thị trường bất động sản, tài chính, khoa học công nghệ. Tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế; đề cao vai trò phản biện xã hội và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả thực thi.

Hai là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nhân lực. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, trong đó tập trung đổi mới chương trình, nội dung theo hướng phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Giáo dục đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, tăng cường kỹ năng sống, nâng cao kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành; phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực nghiên cứu khoa học; phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao, đội ngũ nhân lực quản lý, quản trị.

Tiếp tục phát triển toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục và đào tạo. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, hướng nghiệp ở trung học phổ thông, nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ số, giảm tỉ lệ mù chữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, thu hút nhân tài.

Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, liên kết quốc tế trong công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và xã hội.

Ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu; phát triển kết cấu hạ tầng ở địa bàn đô thị và những địa bàn còn khó khăn, hạ tầng năng lượng, thông tin, viễn thông, phát triển kinh tế số; huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Tập trung phát triển mạng lưới giao thông, nhất là đường bộ, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển, phát triển đồng bộ hạ tầng điện, nước, thủy lợi, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế; xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là ở các đô thị lớn.

Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng phát triển song kết cấu hạ tầng còn hạn chế, yếu kém; đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông ở các khu vực, địa bàn còn khó khăn. Thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế đô thị có tầm nhìn dài hạn, từng bước kết nối giữa các đô thị trong nước với khu vực và trên thế giới, gắn kết phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng hạ tầng, kết nối chặt chẽ xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa.

Từ những vấn đề trên cho thấy, thực hiện 3 đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Để thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền giáo dục về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 3 đột phá chiến lược. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị, của toàn xã hội đối với nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược.

Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch, tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Đại tá Bùi Hồng Thanh, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Trinh sát BĐBP

Bình luận

ZALO