Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 04:29 GMT+7

Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Biên phòng - Sáng 21-9, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phiên họp lần thứ 12 với nội dung Thẩm tra chính thức dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo.

 937photoan.gif
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu ý kiến.

Trước đó tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã cho ý kiến về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (năm 2000) đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập như: Hệ thống văn bản pháp luật còn chưa thống nhất, chưa sát với thực tế, phải thường xuyên bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế; Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài, dẫn đến tình trạng làm thủ tục cho khách nhập cảnh nhưng không quản lý...

Tại buổi làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã cơ bản nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đây là dự án luật không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong bối cảnh tích cực chủ động hội nhập quốc tế. Các đại biểu cũng thống nhất cao trong đánh giá tính khả thi của dự án Luật, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó có một số ý kiến đóng góp thêm cho dự án Luật đó là cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xem xét, giải quyết cho người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam. Quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt được chuyển đổi mục đích thị thực để bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch trong chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người nước ngoài thực hiện và chặt chẽ trong công tác quản lý. Về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thường trực Ủy ban nhất trí với các quy định của Luật nhưng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các Bộ có chức năng chủ trì với các Bộ, ngành có chức năng phối hợp trong quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh. Thường trực Ủy ban cũng nhất trí với quy định của dự án Luật nhưng bổ sung một số quy định về chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu; xây dựng đồng bộ, thống nhất hệ thống mạng máy tính và cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý chặt chẽ, đảm bảo kịp thời những thông tin cần thiết cho công tác quản lý xuất, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án luật liên quan chặt chẽ đến những vấn đề hội nhập quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, việc ban hành luật phải đáp ứng yêu cầu giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực tế, trong đó tính đến việc tương thích đối với các luật có liên quan, tránh trùng lặp, bỏ sót những nội dung điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự án Luật phải được xây dựng thể hiện rõ và đầy đủ nguyên tắc chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành. Buổi làm việc cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các Bộ, ban , ngành như: Công an, Văn hóa- Thể thao- Du lịch, BĐBP…về những vấn đề mới có liên quan bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế.

Kết thúc buổi làm việc Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đã đánh giá cao những góp ý của các thành viên Thường trực của Ủy ban và một số Bộ, ban ngành có liên quan trong việc góp ý sửa đổi những điều, khoản mà dự án Luật đã đưa ra. Đồng chí nhấn mạnh tất cả các ý kiến đóng góp, bổ sung sẽ được ghi lại và báo cáo Quốc hộị để hoàn chỉnh Luật.

Mai Anh

Bình luận

ZALO