Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Tiếp tục phát huy kết quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo

Biên phòng - Nhìn lại 5 năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra hải đảo. Tuy nhiên, những thách thức mới về an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn để có thể phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh... Trong bối cảnh đó, những kết quả đáng ghi nhận mà Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” đạt được thực sự đã góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở khu vực đặc biệt quan trọng này.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhật Lệ, BĐBP Quảng Bình phát tờ rơi tuyên truyền, PBGDPL kết hợp với phát khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Châu Thành

Về tổng thể, Đề án đã hoàn thành mục tiêu quan trọng là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ và nhân dân vùng thụ hưởng; phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần nâng cao văn hóa pháp lý cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Từ đó, tinh thần “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã dần đi vào chiều sâu, trở nên gắn bó với đời sống thường ngày của toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước và khu vực biên giới, hải đảo nói riêng.

Để có được kết quả đó, là nhờ Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cũng như 44 tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo và các cơ quan phối hợp... đã nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện Đề án với quyết tâm chính trị cao và hành động thực chất. Do đó, đã thường xuyên đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với đối tượng, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận. Điểm đáng ghi nhận là Đề án được gắn với việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa và việc thực hiện chính sách dân tộc, dân vận phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa, tăng cường dân trí pháp lý phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thực tiễn cho thấy, các đơn vị BĐBP và cơ quan Tư pháp các tỉnh, thành phố đã linh hoạt, gắn kết công tác PBGDPL với tổ chức thực hiện pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan tại vùng biên giới, hải đảo. Đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cũng đã được các cơ quan, đơn vị củng cố, kiện toàn theo hướng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng để có đủ năng lực và có kỹ năng PBGDPL phù hợp với đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thuộc vùng thụ hưởng Đề án đã từng bước được nâng lên.

Mặc dù Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” đã kết thúc, song, những mô hình sáng tạo đã được triển khai, những kinh nghiệm quý được rút ra sau từng giai đoạn, từng nội dung là rất đáng biểu dương, trân trọng và cần được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Điều đó vừa nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, vừa góp thêm những biện pháp, cách làm thực chất, hiệu quả cho các đề án, kế hoạch khác của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu đúng các quy định, tính nghiêm minh của pháp luật để chấp hành nghiêm túc; từng bước tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần hình thành văn hóa pháp luật trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thời gian tới, đất nước ta đang đứng trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện. Tình hình các tuyến biên giới, hải đảo nước ta vẫn còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Trình độ dân trí, khả năng nhận thức pháp luật và đời sống dân sinh của nhân dân các dân tộc vùng biên giới, hải đảo còn nhiều bất cập, khó khăn... Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn, thách thức hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác PBGDPL nói riêng.

Vì vậy, các bộ, ban, ngành cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biên giới, hải đảo cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác PBGDPL, nhất là tiếp tục quán triệt, triển khai có chiều sâu và phát huy hiệu quả các Đề án mà Chính phủ đã phê duyệt. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động hiệu quả, thực chất nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, phát huy những kết quả đã đạt được của Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục duy trì hoạt động, củng cố nền tảng đã xây dựng để đưa công tác PBGDPL thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở vùng biên giới, hải đảo; từng bước nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả. Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL ở vùng biên giới. Tăng cường tổ chức tập huấn, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL sát với địa bàn, đối tượng. Nỗ lực xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân để duy trì các hoạt động phục vụ công tác PBGDPL ở vùng biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, cần gắn công tác PBGDPL với thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cùng các chính sách của Nhà nước đối với công tác dân tộc và vùng biên giới, hải đảo; lồng ghép trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức các ngành và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhằm tạo chuyển biến vững chắc về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo.

Với những kết quả đáng ghi nhận cùng những kinh nghiệm hữu ích, chúng ta tin tưởng rằng, hiệu quả bền vững của Đề án sẽ có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng trong nhiều năm tới. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh tại vùng biên giới, hải đảo nói chung và cả nước nói riêng, là tiền đề trong việc thúc đẩy xã hội dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đặng Đức Hải

Bình luận

ZALO