Biên phòng - Đó là lời khẳng định của Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Biên phòng về việc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào của Bộ Tư lệnh BĐBP để góp phần củng cố hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt của quân dân 2 nước trên khu vực biên giới.

- Đề nghị đồng chí đánh giá mô hình kết nghĩa bản - bản được xây dựng và nhân rộng trong 15 năm qua trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có ý nghĩa và giá trị như thế nào?
- Năm 2012, từ hiệu quả mô hình kết nghĩa bản - bản giữa nhân dân khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị với nhân dân nước bạn Lào, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh biên giới nhân rộng, nâng tầm mô hình lên thành phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên toàn tuyến biên giới đất liền.
Qua 15 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định rằng, phong trào đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai đảng, hai nhà nước cũng như thắt chặt hơn tình đoàn kết, nghĩa tình của người dân hai bên biên giới.
Việc người dân hai bên biên giới gắn bó, đoàn kết đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về quốc gia, quốc giới, từ đó, cùng chung tay, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân 2 bên biên giới. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới. Qua đó, đã góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
- Trong khó khăn do dịch Covid-19 vừa qua, nghĩa tình nơi biên giới Việt Nam - Lào đã được người dân, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Với tinh thần đoàn kết, nhân dân hai bên, nhất là các cụm dân cư kết nghĩa đã thường xuyên trao đổi, thông tin với nhau về tình hình dịch ở mỗi bên; tuyên truyền, vận động nhân dân ở mỗi cụm dân cư chấp hành nghiêm quy định của mỗi nước về phòng, chống dịch; tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới tuần tra phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép.
Đặc biệt, các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 của BĐBP đã nhận được sự giúp đỡ của nhân dân hai bên biên giới. Trong công tác phòng, chống dịch, các đơn vị BĐBP đã gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Lào tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới.
Đồng thời, lực lượng bảo vệ biên giới 2 nước đã hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho nhau trị giá trên 4,9 tỷ đồng. Qua đó, tiếp tục khẳng định tình cảm gắn bó keo sơn, chia ngọt, sẻ bùi giữa quân và dân hai nước Việt - Lào, đúng như tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
- Đồng chí đánh giá như thế nào về nghĩa tình của người dân trên dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào? Và Bộ Tư lệnh BĐBP có những giải pháp gì để thắt chặt và củng cố hơn nữa tình hữu nghị này trên tuyến biên giới?
- Có thể khẳng định, nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ nghĩa tình, vững chắc, giàu lòng nhân ái, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó lâu đời trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của 2 dân tộc. Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo, mối quan hệ keo sơn đó đã phát triển mạnh mẽ lên tầm cao mới. Đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Địa bàn biên giới Việt Nam - Lào đa phần là các vùng sâu, vùng xa, cuộc sống, kinh tế vốn còn nhiều khó khăn. Song, cũng trong khó khăn ấy, người dân hai bên biên giới đã luôn gắn bó, đoàn kết, san sẻ, giúp đỡ nhau một cách nghĩa tình. Họ giúp đỡ nhau từ trong cuộc sống hàng ngày, trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Sự đoàn kết và nghĩa tình đó đã được vun đắp một cách thường xuyên, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Để thắt chặt và củng cố hơn nữa tình hữu nghị ấy, Bộ Tư lệnh BĐBP với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới, chúng tôi xác định sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương hai bên biên giới nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; tăng cường quan hệ đoàn kết, tổ chức giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc hai bên biên giới.
Tiếp nữa là sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới giữa hai nước; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương hai bên biên giới. Cùng với đó, tham mưu đề xuất quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 2022 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới giữa hai nước; thực hiện hiệu quả mô hình kết nghĩa đồn, trạm BĐBP với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới Lào. Ngoài ra, tăng cường hợp tác, giúp đỡ nhau trong cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến an ninh trật tự hai bên biên giới.
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
P.V (Thực hiện)