Biên phòng - Sáng 25/5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban soạn thảo xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì Hội nghị. Tham dự có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về kết quả triển khai xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; trong đó nêu bật vai trò quan trọng của sự phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đối với bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được xây dựng gồm 7 chương, 75 điều, tập trung thể chế hóa 5 chính sách nổi bật: Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; bảo đảm hiệu quả động viên công nghiệp.

Hội nghị cũng đã làm rõ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; đánh giá đây là văn bản quy phạm pháp luật quang trọng, là hành lang pháp lý để xây dựng công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bảo đảm chất lượng nhất; dự thảo cần phải làm rõ và nêu được giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt của công nghiệp quốc phòng, an ninh để tạo động lực phát triển và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn như vốn, nhân lực và các nguồn lực đảm bảo. Đối với những cơ chế chính sách đặc thù phải đảm bảo xác định tiêu chí rõ ràng về đối tượng áp dụng, tránh lãng phí nguồn lực; hạn chế tiêu cực, bất cập trong thực thi.
Hồng Pha