Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

Biên phòng - Thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Dù đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực BĐG, Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tranh thủ nguồn lực để bảo đảm BĐG và trao quyền cho phụ nữ.

Việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Cẩm Linh

Nước ta là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về BĐG và trao quyền cho phụ nữ. Năm 2006, Việt Nam ban hành Luật BĐG, trong đó yêu cầu các cơ quan Chính phủ và UBND các cấp thực hiện trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước về BĐG. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà: Sau 10 năm thi hành Luật BĐG, nhiều thành tựu đáng tự hào về BĐG của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Điển hình như tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XIV đạt 26,8%, cao hơn so với mức trung bình 19% của các quốc gia châu Á và 25% của toàn cầu. Tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp bậc học luôn ngang bằng nhau. Cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới...

Tuy nhiên, việc thực hiện BĐG ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, cả nam giới và phụ nữ đều chịu những tác động từ bất BĐG, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Mặc dù chiếm gần một nửa lực lượng lao động quốc gia, song, do thiếu kỹ năng và ít được đào tạo, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững, do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và mức độ ổn định không cao. Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ chỉ bằng khoảng 80% so với lao động nam. Sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu đã rút ngắn thời gian được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, hạn chế cơ hội đối với nữ giới trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ. Khoảng cách về thu nhập, về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, đời sống tinh thần giữa phụ nữ các vùng miền, ngành nghề, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ là người khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ngày càng gia tăng...

Nhằm cung cấp bằng chứng khoa học và nền tảng vững chắc cho việc sửa đổi, bổ sung Luật BĐG, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật BĐG. Nghiên cứu độc lập của UNFPA tại Việt Nam cho thấy, trong hệ thống pháp luật về BĐG của Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề như: Chưa quy định về những khái niệm phức tạp như: Phân biệt đối xử gián tiếp; phân biệt đối xử đa tầng và đan xen...; khá ít luật đề cập tới sự đối xử khác nhau trên cơ sở giới tính do những điểm khác biệt sinh học hoặc khác biệt về giới giữa nam giới và phụ nữ; Bộ luật Lao động năm 2019 chưa có những quy định chi tiết, rõ ràng về các hình thức phân biệt đối xử về giới tại nơi làm việc, cũng như việc tiếp nhận và xử lý khiếu nại đối với phân biệt đối xử về giới trong lao động và việc làm; các bất cập về giới cũng tồn tại trong Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Không như Luật Quảng cáo, Luật Báo chí không có quy định cấm đăng tải, phát thanh, truyền hình thông tin có phân biệt đối xử về giới; không yêu cầu cải chính, xin lỗi vì đăng tải thông tin mang tính phân biệt đối xử như vậy; và cũng không quy định nghĩa vụ thúc đẩy BĐG trong hoạt động báo chí. Luật Tiếp cận thông tin bỏ qua các dân tộc thiểu số và phụ nữ ở các khu vực khó khăn, giảm nhẹ tầm quan trọng về việc cân nhắc các yếu tố giới khi cung cấp thông tin cho công dân.

Bên cạnh đó, báo cáo độc lập của UNFPA tại Việt Nam đề cập đến một số tồn tại trong vấn đề BĐG như: Vấn đề quản lý Nhà nước về BĐG còn vướng mắc một phần do việc phối hợp các hoạt động BĐG được thực hiện qua các Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các bộ, ngành và các ngành dọc ở các cấp địa phương. Điều này vô hình trung làm giới hạn các hoạt động BĐG. Thêm vào đó, vấn đề BĐG được coi là nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, việc này dẫn đến vấn đề BĐG được quan niệm là về sự tiến bộ của phụ nữ. Hệ quả là, một số sáng kiến BĐG chỉ tập trung vào thúc đẩy quyền của phụ nữ, bỏ qua các vấn đề giới khác tác động đến nam giới và trẻ em trai. Mặt khác, nhiều cán bộ, công chức Nhà nước có hiểu biết, nhận thức còn hạn chế về BĐG, trong đó có cả lồng ghép giới; và chỉ giới hạn công việc của họ trong một số khía cạnh nhất định của Luật BĐG làm hạn chế các nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới ở Việt Nam. Báo cáo của UNFPA tại Việt Nam cho rằng, nguồn lực con người và tài chính ít ỏi dành cho công tác BĐG cũng dẫn đến hậu quả làm hạn chế các hoạt động BĐG ở Trung ương và địa phương, chưa tương xứng với những vấn đề BĐG cần giải quyết...

Báo cáo của UNFPA tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cân nhắc sửa đổi, bổ sung các quy định rõ ràng, mạnh mẽ hơn về nguyên tắc BĐG trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tốt hơn lồng ghép giới trong tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thống nhất với Luật BĐG, đảm bảo lồng ghép giới phải được tiến hành đối với mọi dự luật, pháp lệnh. Về dài hạn, cần thành lập cơ quan cấp bộ về BĐG hoặc các quyền BĐG nhằm đảm bảo BĐG được ưu tiên hơn trong các mục tiêu chính trị và nguồn lực tài chính.

Theo Liên hợp quốc, BĐG có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành cho công tác BĐG những ưu tiên nhất định. Vấn đề này đã được thể chế hóa thành các văn bản luật như Luật BĐG năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hay ban hành các chương trình hành động như: Chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020... để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế và ngay chính trong gia đình của họ.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO