Biên phòng - Vụ Thị trường châu Á, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 và là đối tác lớn nhất trong các nước ASEAN của Trung Quốc. Kết quả đó cùng với thành công của chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với 13 văn kiện hợp tác được ký kết, trong đó có hợp tác về kinh tế, thương mại sẽ tiếp thêm động lực cho thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt bước phát triển mới.
Theo Bộ Công thương, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có bước phát triển đáng kể, đạt 147,7 tỷ USD sau 10 tháng. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, chỉ sau Mỹ với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 47 tỷ USD. Đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 100,7 tỷ USD.
Tại Kỳ họp lần thứ 11, Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra cuối tháng 10/2022 do Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức, hai bên đã nhất trí đánh giá, mặc dù đại dịch Covid-19 và nhiều biến động địa - chính trị trên thế giới đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.
Thực tế cho thấy, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển. Trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, quan hệ thương mại giữa hai nước luôn ở xu thế tăng trưởng nhanh và mạnh về giá trị. Nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước mới ở mức khiêm tốn xấp xỉ 3 tỷ USD thì đến năm 2010, con số này tăng lên gần 28 tỷ và tiếp tục tăng lên hơn 66 tỷ USD năm 2015. Năm 2021, mặc dù bị những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 165,8 tỷ USD (mức cao nhất trong vòng 20 năm qua), tăng 24,6% so với năm 2020, trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 56 tỷ USD.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2018, Trung Quốc là đối tác đầu tiên đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD một năm và duy trì mức này từ đó đến nay. Hiện, chỉ có 2 thị trường đạt cột mốc 100 tỷ USD là Trung Quốc và Mỹ. Về đầu tư, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp của Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10/2022, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam, với tổng số vốn lên tới 804,4 triệu USD, chiếm 8,1%.
Bộ Công thương đánh giá, trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời, nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới, máy móc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...
Đáng chú ý, xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển nổi bật với việc có thêm một số mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang đất nước tỷ dân này. Năm 2022, Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu chính ngạch với sầu riêng của Việt Nam và đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022. Sắp tới, dự kiến, mặt hàng khoai lang và một số sản phẩm nông nghiệp khác cũng được xem xét nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Việc có thêm nhiều sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch đang tạo ra chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường có dân số lớn nhất thế giới.
Hiện tại, các địa phương biên giới của hai nước đang tăng cường đồng bộ các giải pháp, vừa kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, vừa đẩy mạnh phối hợp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm từng bước phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2022) với chủ đề “Hữu nghị - Hợp tác - Liên kết - Phát triển” do UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ Công thương tổ chức từ ngày 2 đến 9/11/2022 sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19 được cho là tín hiệu tốt, tạo cơ hội để các địa phương biên giới, các doanh nghiệp giữa hai nước tăng cường tìm hiểu, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; hợp tác, đầu tư, cùng phát triển.
Hội chợ lần này có quy mô 260 gian hàng, với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp đến từ trên 40 tỉnh, thành phố trong nước và Trung Quốc. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoài An, đây là hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh có tiềm năng xuất khẩu, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hội chợ cũng sẽ là nhịp cầu giao lưu kinh tế, đầu tư, du lịch và dịch vụ giữa doanh nghiệp hai nước Việt - Trung, tạo thuận lợi, thúc đẩy giao thương giữa tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây nói riêng, giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 13 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác, đảm bảo chuỗi cung ứng Việt-Trung; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Việc thực hiện các văn kiện này, cùng với việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực thi hành từ năm nay sẽ bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi và tạo động lực mới cho thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau.
An Nhiên