Biên phòng - Nhân dịp đầu năm học mới 2022-2023, Đàm Thị Thu, sinh viên năm thứ 4 của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam được đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã gửi gắm tâm sự, chia sẻ về hoàn cảnh của mình qua lá thư tới các em học sinh khó khăn ở khu vực biên giới. Qua lá thư này, Thu hy vọng, câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực, giúp các em có thêm hy vọng để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Ước mơ làm bác sĩ được chắp cánh
Thấu hiểu khó khăn của con em đồng bào ở khu vực biên giới, nhằm chung tay hỗ trợ các em tiếp tục con đường học tập, năm 2016, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, và một trong số những “mầm xanh” được BĐBP đỡ đầu là em Đàm Thị Thu, sinh năm 2000.
Cha của Thu sức khỏe không tốt, nên mọi việc trong gia đình đều do mẹ em cáng đáng. Gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng trên đôi vai người mẹ của Thu nên sức khỏe của bà cũng dần yếu đi. Cứ trái nắng, trở trời là những cơn đau khớp, rối loạn nhịp tim lại nổi lên đeo bám, “ăn mòn” dần sức lực của mẹ. Khát vọng trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho những người có hoàn cảnh khó khăn như mẹ của Thu vì thế cũng ngày càng cháy bỏng hơn.
Lúc đấy, Thu nghĩ: “Gia đình khó khăn lắm, có lẽ mình sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ!”. May mắn được bác Trung tướng Đõ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP. Thu chia sẻ: “Là con cả trong gia đình thuần nông nghèo, sinh sống tại bản Lòa, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng nên đã có lúc tưởng chừng con đường học hành của em sẽ dang dở. Nhưng em đã may mắn được các chú, các bác BĐBP đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” trong suốt 6 năm qua”.
Trong lá thư gửi các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới, Thu chia sẻ: “Nhà chị nghèo lắm. Gia đình chị vẫn ở ngôi nhà sàn, được bao quanh bởi các nẹp tre, nhà thì bị dột, mỗi lần mưa, chị phải lấy những chậu, thùng trong nhà để hứng mưa mà không hết chỗ dột, có khi dột ngay chỗ ngủ. Mỗi khi chị nhìn ngôi nhà, lại nghĩ “ngôi nhà mình sắp đổ rồi ấy nhỉ? Mình phải lớn thật nhanh để có thể sửa lại ngôi nhà cho bố mẹ”. Đến năm lớp 11, thật may mắn khi chị gặp các cô chú Biên phòng qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Chương trình đã hỗ trợ chị mỗi tháng 500.000 đồng. Số tiền đó không lớn với mọi người, nhưng đã giúp chị được đi đôi dép mới, có đôi giày để đi vào mùa Đông giá rét, chị có xe đạp để đến trường, số tiền đó giúp mẹ chị không cần lo tiền học phí cho chị nữa”.
Tiếp thêm động lực vươn lên
May mắn với Thu không chỉ dừng lại ở chỗ em được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khi học hết lớp 12, mà lên tới đại học, em vẫn tiếp tục được các chú BĐBP đỡ đầu. Nhớ về những ngày đầu tiên sinh sống và học tập tại Hà Nội với nhiều bỡ ngỡ, Thu chia sẻ trong thư của mình: “4 giờ 30 phút sáng ngày 29/8, chiếc xe khách chở chị từ Cao Bằng cập bến Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Chị nhớ giây phút đó, trời mưa tầm tã, trời còn chưa sáng, xe vừa cập bến, đã có các cô, chú Biên phòng chờ sẵn ở đó và hỏi nhà xe xem có em Thu từ Cao Bằng xuống không? Anh lái xe trả lời “có”. Chị nhìn thấy các cô, chú BĐBP mặc áo mưa mà quần áo ướt sũng, chạy tới đón chị”.

Hiện đã là sinh viên năm thứ 4, cô bé Thu ngày nào nay đã trưởng thành hơn rất nhiều, ước mơ làm bác sĩ của em cũng sắp trở thành hiện thực. Trong suốt 4 năm học là sinh viên học tập tại Thủ đô Hà Nội đông đúc, nhộn nhịp, Thu được các cô, chú Biên phòng quan tâm, lo lắng, bảo ban rất nhiều. Thu chia sẻ trong thư: “Những ngày đầu tiên sống ở Thủ đô Hà Nội đông đúc, nhộn nhịp, chị nhận được sự quan tâm từ những thứ nhỏ nhất của các cô, chú Biên phòng. Chị được đi ăn bún bò, nhớ mùi vị của bát bún ấy, là bát bún ngon nhất mà chị từng được ăn. Bốn năm vừa qua, chị được các cô, các bác Biên phòng chăm sóc, bao bọc, dạy dỗ tận tình. Thế đấy, qua 4 năm học, chị lớn khôn hơn. Từ “lớn hơn” không phải là lớn hơn bao nhiêu cân, cao thêm bao nhiêu cm, mà chị trưởng thành về tư duy, về tri thức”.
Biết rằng, con đường vươn tới tri thức của học sinh ở khu vực biên giới còn nhiều chông gai, gần cuối thư, Thu động viên các em: “Kết thúc thư ở đây, chị có một câu hỏi dành cho các em: “Các em muốn làm gì trong tương lai?”. Câu hỏi đó không phải ngày một, ngày hai mà trả lời được, các em ạ. Đó là cả một quá trình tự nhìn nhận, tự lắng nghe để phát hiện ra “viên ngọc” của bản thân. Mỗi chúng ta đều là những “viên ngọc” quý, những bông hoa. Nên chúng ta hãy tìm kiếm “viên ngọc” ấy, để mài giũa, để viên ngọc được sáng nhất, để chúng ta thành công nhất”.
Kết thư, Đàm Thị Thu không quên gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các cô, chú Biên phòng đã nâng đỡ, dạy dỗ, chắp cánh cho em ngày càng tới gần hơn với ước mơ và bày tỏ mong muốn rằng, sẽ có thật nhiều em nhỏ ở nơi biên giới tiếp tục được đỡ đầu, giúp đỡ để có một tương lai tươi sáng hơn.
Thùy Trang