Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 05:05 GMT+7

Tiếp cận những giá trị văn hóa vùng biển đảo

Biên phòng - Quá trình toàn cầu hóa đang dần tạo ra một "thế giới phẳng" khiến cho các quốc gia vừa nắm bắt được những cơ hội phát triển, vừa đối mặt với những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế bởi vừa có sự hợp tác sâu rộng, vừa có sự cạnh tranh quyết liệt đối với sự bùng nổ các hoạt động giao thương quốc tế, trong đó, có hoạt động du lịch. Việt Nam là quốc gia biển, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển. Trên nền tảng những giá trị tích cực, đặc sắc của văn hóa vùng biển đảo, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, xây dựng những thương hiệu du lịch biển xứng tầm với tiềm năng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

20-1.jpeg
Hoàng hôn trên biển Cát Bà. Ảnh: TH

Văn hóa biển đảo - yếu tố đặc biệt quan trọng để phát triển du lịch biển

Cộng đồng dân cư vùng biển đảo Việt Nam có truyền thống khai thác các nguồn lợi từ biển để sinh tồn nên đã tạo ra những phong cách, những đặc trưng văn hóa riêng của vùng biển đảo, cùng với tính cách thân thiện, mến khách đã hình thành những điểm nhấn quan trọng, tạo nên sự khác biệt riêng của cộng đồng vùng biển đảo.

Sự phong phú, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc trưng vùng biển đảo đã tạo ra những tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh cho du lịch biển Việt Nam. Những giá trị này có thể được khai thác, kết tinh thành những sản phẩm du lịch biển đặc thù, mang tầm vóc quốc gia để hình thành nên thương hiệu và phát triển du lịch biển Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Văn hóa vùng biển đảo được hiểu là hệ thống các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại gắn bó với biển (bao gồm những di sản văn hóa hữu thể và di sản văn hóa phi vật thể). Văn hóa vùng biển đảo Việt Nam phản ánh những giá trị được đúc rút từ các hoạt động sản xuất gắn liền với biển, có đóng góp quan trọng đối với kinh tế - xã hội, được truyền từ đời này sang đời khác.

Văn hóa vùng biển đảo có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch biển. Những di tích lịch sử, công trình kiến trúc, tập quán, nghi thức, lễ hội, cách thức ứng xử của cộng đồng, phong cách ẩm thực, quy trình công nghệ làm nghề truyền thống... là một trong những nhiên liệu đầu vào quan trọng để tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch biển.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát huy những giá trị tích cực của văn hóa vùng biển đảo sẽ tạo những điểm nhấn, những dấu ấn đậm nét, những giá trị to lớn đối với việc xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch biển. Di sản văn hóa vùng biển đảo tạo ra môi trường cho du lịch biển phát triển, là yếu tố quan trọng trong việc xác định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch vùng biển đảo nhất định. Nó là nền tảng để du lịch biển tạo ra những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, quyến rũ đối với du khách quốc tế. Đến lượt mình, du lịch biển trở thành phương tiện chuyển tải, trình diễn các giá trị di sản văn hóa của vùng biển đảo đến với du khách; góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển các di sản văn hóa. Đặc biệt, khi thương hiệu du lịch được khẳng định, nó sẽ có đóng góp to lớn trong việc quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa vùng biển đảo đến với bạn bè thế giới.

Cần thiết phải xây dựng thương hiệu du lịch biển

Những năm qua, Việt Nam đã chú trọng đến phát triển du lịch, trong đó có du lịch biển. Theo số liệu thống kê từ năm 2008-2013, nước ta đã đón gần 31 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có trên 70% du khách đến các điểm, tuyến du lịch vùng biển đảo. Du lịch biển đang có sự tăng trưởng nhanh, ngày càng khẳng định là một trong những ngành kinh tế biển nhiều tiềm năng, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho đất nước.

Tuy nhiên, du lịch biển Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của tài nguyên, mà một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa xây dựng được những thương hiệu lớn để phát triển du lịch biển, bởi vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là công tác quy hoạch du lịch biển thiếu đồng bộ, chưa hình thành được chiến lược riêng ở tầm quốc gia; cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch biển chưa được đầu tư thích đáng.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá cho du lịch biển còn khiêm tốn, ý thức bảo vệ môi trường biển còn yếu kém. Điểm dễ nhận thấy khác là cộng đồng địa phương ven biển chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu du lịch biển nên chưa tích cực xây dựng uy tín cộng đồng tại những điểm, tuyến du lịch. Thêm vào đó, các doanh nghiệp hoạt động du lịch biển chưa có chiến lược phát triển thương hiệu trong việc phát triển du lịch...

Đặc biệt, chúng ta chưa coi trọng yếu tố văn hóa vùng biển đảo trong xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch biển. Mặc dù vùng biển đảo có nhiều di sản văn hóa nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng để trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo cho từng vùng; chưa có sự kết nối cao giữa cảnh quan biển với các di sản văn hóa hữu thể và chưa tạo được sự hấp dẫn độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể từng vùng biển đảo đối với du khách quốc tế như các nước trong khu vực.

Để phát triển du lịch biển Việt Nam bền vững trong hội nhập quốc tế, cần thiết phải xây dựng thương hiệu du lịch biển nhằm làm gia tăng giá trị của tài nguyên để thúc đẩy du lịch biển phát triển. Với những đặc trưng của mình, văn hóa vùng biển đảo là yếu tố đặc biệt quan trọng trong vấn đề xây dựng thương hiệu du lịch biển, thúc đẩy phát triển du lịch biển. Nhiều quốc gia đều có thể hội đủ nguồn lực, chính sách, di sản trong phát triển du lịch biển nhưng để có được dấu ấn khác biệt trong xây dựng thương hiệu nhằm phát triển du lịch biển, thì không thể thiếu bản sắc văn hóa của quốc gia đó.

Do vậy, phát triển du lịch biển Việt Nam theo hướng bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế thông qua xây dựng thương hiệu trên nền tảng những giá trị tích cực của văn hóa vùng biển đảo cần có những giải pháp tích cực. Theo các chuyên gia, việc cần làm trước tiên là phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa và du lịch hướng tới hiệu lực, hiệu quả về quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa hữu thể; bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của những di sản văn hóa phi vật thể ở vùng biển đảo; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng biển đảo xây dựng thương hiệu trên nền tảng bản sắc văn hóa để phát triển du lịch biển.

Đặc biệt, khuyến khích cộng đồng vùng biển đảo xây dựng và thực hiện các chuẩn mực phong tục tập quán trong việc duy trì những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng.
Sở hữu đường bờ biển dài trên 3.260km (không kể bờ các đảo) và hàng nghìn hòn đảo ven bờ, lãnh thổ ven biển Việt Nam là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch biển. Vùng ven biển và hải đảo Việt Nam là nơi hội tụ của 5 di sản thế giới, 6 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 15 vườn quốc gia cùng 44 vũng vịnh và 125 bãi biển có khả năng khai thác phát triển du lịch.

Hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa và du lịch cũng cần đặt ra những chế tài thật nghiêm khắc đối với những hành vi xâm hại các di sản văn hóa hữu thể, những hành vi phi văn hóa trong ứng xử đối với du khách khi tham gia du lịch nói chung, du lịch ở vùng biển đảo nói riêng.

Đặc biệt, quản lý du lịch theo pháp luật chứ không phải xử lý tình thế mỗi khi du khách quốc tế bị "chơi xấu" thì lãnh đạo ngành du lịch lại phải chạy theo "xin lỗi". Cùng với đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch biển bền vững thông qua những giá trị, bản sắc văn hóa vùng biển đảo; xây dựng hành vi ứng xử văn hóa văn minh của doanh nghiệp du lịch, cộng đồng biển đảo trong tổ chức các hoạt động du lịch biển. Điều cốt yếu nữa là phải đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vùng biển đảo, làm tiền đề để xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch biển...
Hoàng Nhất Thống

Bình luận

ZALO