Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Tiếng tù và “gọi” Ngọc Hoàng

Biên phòng - Tù và được làm từ sừng trâu, mỗi khi có công to việc lớn là người Dao lại mang ra thổi lên gọi Ngọc Hoàng về chứng giám. Tù và có ở nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có truyền thuyết truyền đời riêng, nhưng tiếng tù và của người Dao lại rất độc đáo và linh thiêng.

85mx_9b
Cỗ cúng tù và trước khi hành lễ gọi Ngọc Hoàng. Ảnh: Bàn Minh Đoàn

Theo ông Bàn Xuân Triều, dân tộc Dao ở Sơn Phú, Na Ha Hang, Tuyên Quang, người Dao quan niệm, Ngọc Hoàng Thượng đế (tiếng Dao là Nhụt Hùng) là vị vua của Thiên đình, cai quản toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả và cõi âm phủ. Ngọc Hoàng đứng đầu tất cả các thần, tiên, thánh nhân có quyền lực tối cao và quyền năng tự nhiên như mây mưa, sấm chớp, nước lửa...; có quyền ra lệnh cho các vị thần thực hiện những điều tốt đẹp. Ngọc Hoàng là người xét phong cho các vị thần, hoặc phán xử phạt các thần tiên và thánh nhân khi có tội.

Tuy nhiên, Ngọc Hoàng vẫn xếp dưới Tam Thanh, do Nguyên Thủy Tôn chỉ định làm vua. Trong tranh thờ của người Dao thể hiện rõ quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, triết lý, mối quan hệ giữa cuộc sống con người với vạn vật theo tục thờ của Đạo giáo. Trong đó, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng bảo trợ trong cuộc sống của con người và ba vị thần cai quản ba nơi là Ngọc Thanh (cai quản trên trời), Thượng Thanh (cai quản trần gian), Thái Thanh (cai quản âm phủ). Trong ba vị thần linh này thì Ngọc Thanh có vị trí cao hơn cả. Tam Thanh luôn giữ vị trung tâm trong các bộ tranh thờ của người Dao. Người Dao coi Ngọc Hoàng Thượng đế là vị tối cao có sức mạnh siêu nhiên luôn bảo trợ cho con người, nên trong tín ngưỡng thờ cúng của người Dao mới có tục dùng tù và gọi Ngọc Hoàng.

Ông Bàn Kim Sơn, 82 tuổi, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú, dân tộc Dao, là thầy cúng cao tay cho biết: Theo truyền thuyết đời truyền đời rằng: Ngày xưa các dân tộc đều đi lấy kinh, nhưng người Dao đến trước, nên Ngọc Hoàng ban phép cho người Dao rồi giao cho chiếc tù và để khi có công to, việc lớn thì được phép dùng chiếc tù và thổi gọi Ngọc Hoàng. Khi Ngọc Hoàng nghe được tiếng tù và thì lập tức có mặt để chứng giám mọi công việc của trần gian, nên người Dao mới có tục thổi tù và gọi Ngọc Hoàng. Theo tiếng Dao là “piếm coong hịu lùng” .

Người Dao dùng sừng trâu để chế tác tù và (tiếng Dao gọi là ngồng coong). Người ta chọn chiếc sừng trâu đẹp rồi đem về sấy trên gác bếp hay để nơi khô ráo, đợi cho khô rồi chọn ngày lành tháng tốt tiến hành chế tác. Trước khi chế tác, người thợ phải làm thủ tục khấn vua bếp để vua bếp phù hộ. Thủ tục đầu tiên là cắt sừng trâu khoảng 35 - 40cm, gọt, bào nhẵn rồi dùng dùi sắt nung đỏ khoan lỗ bên đầu nhọn của sừng, tạo lỗ để thổi, đường kính lỗ thoát âm tùy theo độ to nhỏ của sừng trâu. Quá trình chế tác người ta phải thổi thử, điều chỉnh cho âm thanh sao cho trầm hùng, cộng hưởng vang vọng trên không gian cao xa, vọng tới cung điện của Ngọc Hoàng.

Giàn nhạc cụ của người Dao trong các đại lễ cúng không thể thiếu được tiếng tù và, bởi tiếng tù và có quyền năng trong tín ngưỡng của người Dao, chỉ được thổi trong nghi lễ cúng cung thỉnh Ngọc Hoàng xuống chứng giám công việc sắp làm.

Người Dao tin rằng, trên trời có Ngọc Hoàng, các thần linh, Bàn Vương thủy tổ của mình. Họ coi các đấng ấy phù hộ độ trì cho mình, nên lúc khỏe ăn nên làm ra là do các đấng ấy phù hộ; lúc hoạn nạn, ốm đau cũng do các đấng ấy quở trách, không giúp cai quản ma quỷ, nên ma quỷ mới quấy nhiễu, làm loạn.  

Giàn cúng mời Ngọc Hoàng xuống chứng giám được bày trên bàn thờ và ngoài cửa chính hiên nhà của gia đình có hành lễ. Thông thường trên bàn thờ gồm có 1 bát hương, 1 cốc nước, 1 chai rượu trắng, 5 chén rượu rót ra, 1 đèn dầu hỏa, 1 bộ dụng cụ xin âm dương (cháo), 1 cây gậy (san nhiền quấn), 1 cái tù và, 1 cây kiếm nhỏ (kím); gia đình nào làm thầy tào, thầy cúng thường có thêm hai bộ tranh thờ gọi là tồm tòng (đại đường), phàm sinh (Tam Thanh) và bộ nhạc cụ sử dụng trong lễ cúng, lễ cưới, ngày tết gồm có kèn pí lè, trống, chiêng, chũm chọe. Đến lúc thực hiện lễ cúng gọi Ngọc Hoàng thì bổ sung thêm trên bàn thờ gồm có: Một con gà trống chọn màu lông đẹp (kiêng kỵ không dùng gà có lông màu trắng), luộc chín sắp vào đĩa, có đầy đủ lòng mề tiết dâng lên ban thờ. Bài vị không thể thiếu được giấy cúng, gồm “chấy cham” và “chầy mà” được chế bằng giấy bản đóng dấu, in hình người cưỡi chim, cưỡi hổ, cưỡi rắn, cưỡi ngựa dâng lên Ngọc Hoàng, thần linh, tổ tiên.

 Còn giàn cúng bày ở ngoài hiên cửa chính nhà hành lễ gồm có một bát hương có giá đỡ bằng ba cây bé, chọn cây thẳng, loại cây không rụng lá buộc lại. Bát hương phải để cao hơn đầu người ở hiên nhà. Chỗ thầy cúng đứng hành lễ, có cái nong hoặc nia để đựng giấy cúng và đồ cúng.

Sau khi đủ các đồ lễ thì thắp hương, thầy cúng bắt đầu hành lễ gọi Ngọc Hoàng. Với bộ trang phục của thầy cúng (sài tía) mặc áo phụ nữ, đầu đội mũ thêu (pà cùn), đội sà nghẹ, mặc áo đỏ (lùi sí), đầu đội mũ thêu có miếng vải đỏ buộc trên đầu. Sau khi đứng trước ban thờ, thầy cúng bắt đầu hành lễ cúng theo thứ tự cúng trong nhà trước. Bài cúng theo sách cổ truyền lại với nội dung mời thánh thần, tổ tiên đến thụ hưởng và phù hộ cho gia đình hành lễ.

Sau khi cúng trong nhà mời thánh thần tổ tiên, sau đó mới ra ngoài thực hiện nghi lễ gọi Ngọc Hoàng. Thầy cúng với bộ trang phục chỉnh tề nghiêm trang tay cầm cây gậy (san nhiền quấn) và cái tù và bước ra đứng trên miếng ván, không được đứng dưới đất bắt đầu làm thủ tục gọi Ngọc Hoàng, thổi bốn hồi tù và. Hồi thứ nhất thông báo tới thiên đàng mở cửa trời để Ngọc Hoàng xuống trần gian. Hồi thứ hai thông báo đến trần gian mở cửa trần gian để Ngọc Hoàng vào. Hồi thứ ba chính thức cung thỉnh Ngọc Hoàng xuống trần gian, nói rõ lý do mời Ngọc Hoàng xuống, tiếp đón Ngọc Hoàng ngồi vào vị trí để chứng giám sự việc của gia đình. Hồi thứ tư thông báo với cung đình của Ngọc Hoàng và các thánh thần Ngọc Hoàng đã xuống đến hạ giới ngồi vào vị trí được tiếp đón một cách long trọng và chứng giám, phù hộ sự việc của hạ giới.

Cúng mời Ngọc Hoàng xuống chứng giám là hình thức cúng cao nhất trong các nghi thức cúng của dân tộc Dao, “tòng lùng chấu” (có trời chứng dám). Hình thức cúng này phải do thầy cúng đã được cấp sắc từ 7 đèn trở lên mới được phép thổi tù và gọi Ngọc Hoàng.

Kết thúc công việc, thầy cúng lại phải làm thủ tục tạ ơn và thổi 4 hồi tù và tiễn Ngọc Hoàng lên cung điện trên thiên đàng.

Nghi lễ thổi tù và gọi Ngọc Hoàng xuống chứng giám là tín ngưỡng, nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao trong đại lễ cúng Bàn Vương, tổ tiên, cấp sắc, hướng con người luôn làm thiện, loại bỏ thói hư tật xấu, nhớ tới nguồn cội, tổ tiên... Tục thổi tù và gọi Ngọc Hoàng là nghi lễ tâm linh cao nhất không thể thiếu được. Các nghi lễ cúng này là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ gia đình, dòng họ, bản làng tạo ra sức mạnh để bảo vệ và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình cộng đồng dân tộc Dao.

Bàn Minh Đoàn

Bình luận

ZALO