Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 12:18 GMT+7

Tiếng mõ an ninh giữa đại ngàn Trường Sơn

Biên phòng - Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng Đắc Pring, BĐBP Quảng Nam quản lý cơ bản ổn định, an ninh biên giới được giữ vững. Có được kết quả này là nhờ cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình đảm bảo an ninh trật tự, giúp đỡ người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn cuộc sống bình yên nơi biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring hướng dẫn nhân dân xã biên giới nuôi lợn rừng nhằm tăng thu nhập. Ảnh: Hồng Lam

Vì bình yên biên giới

Vượt qua quãng đường hơn 100km đường rừng núi quanh co từ trung tâm huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tới Đồn Biên phòng Đắc Pring khi mặt trời đã đứng bóng. Từ ngã ba Cần Đôn, men theo con đường tuần tra biên giới sẽ thấy những bản làng của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, Ve, Cơ Tu… nằm yên ả, thanh bình nép mình giữa ngút ngàn màu xanh của rừng đại ngàn Trường Sơn.

Trên đường xuống thăm bà con thôn 56B, xã Đắc Pre, Thiếu tá Dương Minh Đức, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắc Pring cho chúng tôi biết: Đồn Biên phòng Đắc Pring có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 24km đường biên, với 9 cột mốc biên giới Việt-Lào. Địa bàn đơn vị quản lý gồm 2 xã biên giới Đắc Pre và Đắc Pring, huyện Nam Giang, với hơn 500 hộ dân, cư trú tại 8 thôn, bản. Trên địa bàn, cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ, học sinh bỏ học, không có điều kiện đến trường ở một số địa bàn còn cao; một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại...

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQTU ngày 4/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển đảo trong tình hình mới, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đắc Pring đã triển khai thực hiện các chương trình, mô hình tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới nhằm hỗ trợ nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Ngoài các chương trình, mô hình như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Tay kéo Biên phòng”, “Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Trang trại hộ gia đình chăn nuôi heo bản địa”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nhận đỡ đầu thôn thoát nghèo”, “Xây dựng tuyến đường thanh niên xanh, sạch, đẹp, an toàn giao thông”…, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring còn tham mưu cho chính quyền 2 xã thành lập các Tổ tự quản đường biên, cột mốc; Tổ tự quản giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới; thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới; Hòm thư tố giác hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép...

Mô hình “Phòng đọc biên giới” của Đồn Biên phòng Đắc Pring góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Hồng Lam

Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, đọc sách của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, Đồn Biên phòng Đắc Pring đã xây dựng “Phòng đọc biên giới”. Mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân có thể đến đây đọc và mượn các loại sách pháp luật, nông nghiệp về nghiên cứu, tìm hiểu. Hiện nay, phòng đọc đã có hàng nghìn đầu sách các loại. Hơn thế nữa, “Phòng đọc biên giới” ra đời, không chỉ là nơi bà con đến đọc sách báo, trau dồi trí thức, sinh kế làm ăn, mà đây còn là nơi gắn kết tình quân dân. Khi người dân gặp bất kì chuyện gì cũng tới trao đổi với BĐBP để cùng tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Sau nhiều năm “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất” với bà con dân bản, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring luôn trăn trở về đời sống còn nhiều thiếu thốn của đồng bào nơi đây, nhất là các cháu học sinh, chính vì vậy, các anh đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Quảng Nam xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pre, huyện Nam Giang, với tổng kinh phí trên 230 triệu đồng.

Tiếng mõ an ninh thôn, bản

Ở 2 xã biên giới Đắc Pring và Đắc Pre, mỗi hộ gia đình đều có một cái mõ trong nhà. Khi người dân trong thôn, bản phát hiện đối tượng gây rối an ninh trật tự, vận chuyển hàng lậu trái phép trong địa bàn thì sẽ đánh mõ và những người xung quanh nghe thấy tiếng mõ cũng ngay lập tức đánh mõ theo để thông báo cho toàn thể bà con biết, truy bắt kẻ xấu kịp thời.

Thiếu tá Dương Minh Đức chia sẻ: “Nhận thấy điều kiện về thông tin liên lạc của người dân trên địa bàn còn hạn chế, sóng điện thoại lúc có, lúc không, vì vậy, để giúp bà con chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra như hỏa hoạn, trộm cắp, hay có kẻ gây rối an ninh trật tự trên địa bàn, chúng tôi đã xây dựng và triển khai mô hình "Tiếng mõ an ninh thôn, bản" trên địa bàn 2 xã do đơn vị quản lý. Thông qua mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con trong việc giữ gìn an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn, ngăn ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên biên giới”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring hướng dẫn nhân dân thôn 56B, xã biên giới Đắc Pre sử dụng “Tiếng mõ an ninh thôn, bản”. Ảnh: Hồng Lam

Sau hơn 3 năm thực hiện, mô hình “Tiếng mõ an ninh thôn, bản” đã phát huy hiệu quả, đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới, tình hình tội phạm ở khu vực biên giới cũng đã giảm hẳn. Để mô hình hoạt động có hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring đã thường xuyên xây dựng, huấn luyện nhân dân các phương án vây bắt tội phạm, trộm cướp, cách đánh tiếng mõ theo quy ước riêng để chủ động đối phó, cách thực hành các tình huống để nhân dân và các lực lượng chức năng thực hiện theo đúng phương án đề ra. Qua diễn tập, người dân phân biệt được tiếng kẻng báo cháy nổ, gây rối hay trộm cướp… để mang theo dụng cụ cần thiết khi tham gia xử lý tình huống. Người dân 2 xã biên giới Đắc Pring và Đắc Pre cũng phát huy tinh thần tích cực, tự giác, đoàn kết, có trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn.

Ông Brol Pung, Trưởng thôn 56B, xã Đắc Pre phấn khởi cho biết: “Gần 4 năm nay, kể từ khi Đồn Biên phòng Đắc Pring xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh thôn, bản” thì tình trạng trộm cắp, gây rối trật tự công cộng đã giảm hẳn. Bây giờ, bà con đã yên tâm hơn rất nhiều khi phải lên nương làm rẫy, không sợ kẻ xấu lẻn vào lấy trộm tài sản của gia đình nữa. Mỗi khi nghe “Tiếng mõ an ninh thôn, bản” là bà con lập tức triển khai khóa chặt các ngả đường vào bản để vây bắt các đối tượng tội phạm ngay”.

Trước khi chia tay với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring, Chính trị viên Dương Minh Đức trải lòng với chúng tôi: “Các mô hình mà Đồn Biên phòng Đắc Pring phối hợp với địa phương triển khai trong thời gian qua, đến nay đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Mỗi người dân biên giới hôm nay đều trở thành một chiến sĩ trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn bình yên nơi biên giới. Qua đó, sát cánh cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ”.

Hồng Lam

Bình luận

ZALO