Biên phòng - Tỉnh Phú Yên có khoảng 3.000 người Ba Na và gần 25.000 người Ê Đê sinh sống chủ yếu ở 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Cũng như các cộng đồng người dân tộc thiểu số trên cả nước, người Ba Na và Ê Đê ở Phú Yên xem cồng chiêng là tài sản vô cùng quý báu trong đời sống tinh thần và vật chất.

Đối với người dân tộc thiểu số nói chung và người dân tộc Ba Na, Ê Đê ở tỉnh Phú Yên nói riêng thì âm thanh cồng, chiêng trở nên quen thuộc với họ từ lúc chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Khi tiếng cồng, chiêng vang lên, ngoài việc thêm phần long trọng của các lễ hội, còn là sợi dây vô hình kết nối giữa con người với thế giới thần linh.
Tiếng nói của núi rừng
Theo quan niệm của người Ba Na và Ê Đê, âm thanh cồng, chiêng có sức mạnh diệu kỳ giữa họ với đất trời và vạn vật. Những âm vọng của cồng, chiêng vang xa qua sông, suối, núi, rừng... là tiếng nói, là lời kể, là câu hát để họ gửi gắm tâm khảm của mình vào đó.
Trong mỗi sự kiện trọng đại của buôn làng như: Lễ đặt tên cho con, mừng lúa mới, đâm trâu, cầu mưa, hỏi cưới, mừng nhà mới, bỏ mả, cúng thần sông, thần núi, thần nước, thần lúa, đón khách quý, tiễn người thân đi xa... đều không thể thiếu âm thanh cồng, chiêng. Ông Ma Blung (người Ê Đê) ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên khẳng định: “Âm thanh cồng, chiêng đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi con người dân tộc chúng tôi bao đời nay. Mỗi khi dân làng có chuyện buồn, vui hay lễ hội đều phải có cồng, chiêng. Thông qua âm thanh cồng, chiêng, dân làng gửi gắm tâm khảm của mình với giàng (trời) và các bậc thần linh...”.
Tiếng cồng chiêng của người Ba Na cũng như người Ê Đê mừng trẻ sơ sinh đầy cữ (đầy tháng) có ý nghĩa công nhận chính thức đứa bé ấy là thành viên mới trong cộng đồng, được mang truyền thống của dòng tộc. Hay tiếng cồng, chiêng trong lễ cầu hôn nhằm nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, thủy chung, tuân thủ truyền thống, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng. Còn tiếng cồng, chiêng liên hồi vang lên đó là để xua đuổi khi thú dữ về phá rẫy nương, hay thúc giục trai tráng dân làng chuẩn bị chiến đấu khi có kẻ địch đến cướp phá... Và khi buôn làng có người qua đời, tiếng cồng, chiêng nghe buồn bã, chậm chạp nỉ non như kêu gọi mọi người cùng nhau lo liệu, chia sẻ nỗi đau, tiễn biệt người đã khuất trong tình đoàn kết, yêu thương nhau hơn.
Đặc biệt, khi buôn làng có lễ hội thì tiếng cồng, chiêng càng bộc lộ rõ nét qua từng tiết tấu theo từng nghi thức. Có thể nói, cồng, chiêng và lễ hội là mối liên hệ hữu cơ, không có cồng, chiêng thì lễ hội không thành. Bất cứ lễ hội nào của đồng bào, cồng, chiêng bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo gây phấn khích, thu hút mọi người nô nức vào hội; khuấy động không gian lễ hội tràn ngập niềm hân hoan để mọi người tìm về bên nhau, nam nữ dắt tay nhau vào những điệu múa uyển chuyển, dồn dập, say đắm hết mình.
Khi buôn làng về chiều trong không gian yên ả của núi rừng, mọi người quây quanh bếp lửa hồng, đâu đó chợt đong đưa giai điệu cồng, chiêng sâu lắng, gợi cảm bên chóe rượu cần với chiếc cần trúc vút cong cùng miếng thịt rừng nướng thơm phưng phức, làm sáng lên tình yêu thương trên gương mặt rạng rỡ của gia đình. Khi buôn làng về đêm trăng thanh, gió mát thì tiếng cồng, chiêng ngân vang mời gọi trai gái vui vầy múa hát, tỏ tình...
Già làng Ma Ngoe ở buôn Thồ Lồ, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) khẳng định: “Làng có thể dời đi do đất ở không phù hợp hoặc do luật tục quy định. Đời sống dân làng có lúc no, lúc đói do chiến tranh, thiên tai, địch họa, nhưng cồng, chiêng không thể rời xa con người, buôn làng không thể thiếu tiếng cồng, chiêng”.
Góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, cồng là loại nhạc cụ gõ có núm giữ vai trò đệm và giữ nhịp, còn chiêng là loại nhạc cụ gõ không có núm (gọi là chiêng bằng) để giữ giai điệu. Cồng, chiêng là loại nhạc cụ được linh thiêng hóa theo tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, có thể giúp con người thông tin trực tiếp với giàng (trời) và các bậc thần linh. Do mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh như vậy nên cồng, chiêng không thể sử dụng một cách bừa bãi, tùy tiện.
Mỗi bộ tộc có một cách sử dụng và tiết tấu khác nhau về cồng, chiêng. Như người Ê Đê gọi cồng, chiêng là loại nhạc cụ chính. Một giàn cồng, chiêng đầy đủ có 10 chiếc, trong đó, có 7 chiếc chiêng bằng (mặt phẳng), 3 chiếc cồng có núm cùng phối hợp với trống Hgot sẽ tạo thành âm thanh rất quyến rũ. Các nghệ nhân sử dụng cồng, chiêng ngồi trên chiếc nghế K’pan (ghế dài - được đẽo gọt từ một thân gỗ, không chắp nối) trong nhà sàn và đánh bằng dùi gõ với giai điệu dồn dập, diễn tấu nhanh, lúc khoan thai, lúc sôi nổi rộn ràng.
Người Ê Đê thường sử dụng cồng, chiêng như sự đối thoại giữa hai nhóm Hliang (đại diện nhóm nữ) và Khơc (đại diện nhóm nam). Hai nhóm này giống như một giọng nam, một giọng nữ đối thoại với nhau rất ăn ý. Muốn tạo được những âm thanh nam nữ đối thoại như thế, nghệ nhân dùng dùi đánh vào phía bên trong của chiêng bằng và phía bên ngoài trên mặt núm của chiếc cồng rất điệu nghệ. Cồng, chiêng của người Ê Đê có nhiều chủng loại như: Kdo - Ngausa - Lao - Kur - Musuen - Luir với các nhóm Kpa - Mthur - Atham, riêng nhóm Bith cả giàn có 6 chiếc cồng đều có núm...
Giàn cồng, chiêng của người Ba Na cũng phong phú không kém so với người Ê Đê. Ngoài cồng, chiêng còn có các loại nhạc cụ khác như Hơđăng - Pró - Bơrăng..., trong đó, cồng, chiêng giữ vai trò chủ đạo. Giàn cồng, chiêng của Ba Na được phân ra như sau: Về cồng thì có cồng mẹ, cồng chị, cồng con. Cồng mẹ có đường kính 0,64m, cồng chị là 0,45m, cồng con là 0,40m. Về chiêng thì có chiêng mẹ, chiêng chị, chiêng nhỡ và chiêng con, một bộ từ 5-7 chiếc, trong đó, chiêng mẹ to nhất có đường kính 0,42m, chiêng chị là 0,35m, chiêng nhỡ là 0,3m, chiêng con là 0,25m.
Với đặc trưng ấy, cồng chiêng của dân tộc Ba Na và Ê Đê thường được chọn đại diện tham dự các ngày hội lớn của dân tộc và tham gia giao lưu liên hoan văn hóa các dân tộc khu vực và toàn quốc.
Ngày nay, khi “không gian văn hóa cồng chiêng” đã trở thành kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì nhạc cụ cồng, chiêng của dân tộc Ba Na và Ê Đê ở miền núi Phú Yên cũng là một bộ phận góp phần làm phong phú sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số ở Phú Yên nói riêng.
Hoàng Hà Thế