Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

“Tiếng loa Biên phòng” trên biên giới Huổi Luông

Biên phòng - Từ rất lâu rồi, hàng ngày, cứ vào thời gian người dân rảnh rỗi không lên nương rẫy, “Tiếng loa Biên phòng” của Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu lại đến các thôn, bản biên giới, nơi đường đi, lối lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh xã không đáp ứng được. Chỉ với 1 chiếc loa di động, chiếc USB cóp sẵn các nội dung tuyên truyền và chiếc xe máy, cán bộ Biên phòng lại hành trình đến với những bản làng vùng cao. Mô hình tuyên truyền này đặc biệt hữu dụng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền tập trung đông người không còn phù hợp, tuyên truyền nhỏ lẻ lại không phát huy hiệu quả...

Cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Huổi Luông thường xuyên xuống các bản làng biên giới tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Biên phòng Việt Nam cho bà con bằng loa không dây. Ảnh: Đức Duẩn

Trên địa bàn xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chủ yếu là người Dao, Mông, Hà Nhì sinh sống, vì vậy, trong quá trình biên soạn nội dung tuyên truyền, cán bộ của Đồn Biên phòng Huổi Luông vừa kết hợp tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, vừa kết hợp tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, ai cũng có thể hiểu và nắm chắc những nội dung được tuyên truyền, đặc biệt là Luật Biên phòng Việt Nam. Nội dung tuyên truyền cũng được biên soạn phù hợp với trình độ nhận thức của bà con, nên người dân khu vực biên giới rất hào hứng mỗi khi “Tiếng loa Biên phòng” vang lên.

Đại úy Phan Thành Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông bày tỏ: Cứ 2 tuần 1 lần, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho người dân tại các bản trên địa bàn thông qua “Tiếng loa Biên phòng”. Đề cương tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam ược chúng tôi soạn thảo dựa trên những nội dung cốt lõi nhất của Luật Biên phòng Việt Nam cũng như là các văn bản ban hành hướng dẫn thi hành Luật Biên phòng Việt Nam, từ đó, chúng tôi chọn những nội dung cụ thể và dễ hiểu nhất để truyền đạt đến người dân.

Ngoài thực hiện kế hoạch thường xuyên, Đồn Biên phòng Huổi Luông còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt, hội họp, hoạt động ở các thôn, bản với nội dung phù hợp. Sở dĩ, đơn vị tiến hành tuyên truyền trong các cuộc họp bởi đây là lúc tập trung bà con dễ nhất, đồng thời, cũng là dịp để cán bộ Biên phòng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó, điều chỉnh nội dung, cách thức tuyên truyền cho phù hợp.

Hiện nay, trên địa bàn có 21 bản, đơn vị đã tiến hành tuyên truyền được 10 bản rồi, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, đồng thời phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho bà con. Sau khi được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ý thức của nhân dân về quốc gia, quốc giới đã được nâng lên, đặc biệt, bà con tích cực tham gia cùng với BĐBP triển khai các hoạt động tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới, đồng thời tích cực tham gia tố giác tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Ngoài việc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho nhân dân thông qua “Tiếng loa Biên phòng”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của các xã, bản biên giới. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều có ti vi, hộ có điều kiện hơn thì có điện thoại, máy vi tính kết nối Internet để theo dõi, cập nhật thông tin, nhưng với hệ thống loa truyền thanh tại các điểm bản, âm thanh của loa vang vọng khắp các ngõ ngách, nên dù người dân ngồi ở nhà, làm việc ở đồng hay ở bất cứ nơi đâu cũng có thể nghe thấy. Vì vậy, việc cập nhật thông tin qua hệ thống loa truyền thanh vẫn là một thói quen của người dân ở các thôn, bản.

Anh Trần Chỉn Hoàng, nhà ở bản Na Sa Phìn, xã Huổi Luông chia sẻ: “Trước đây, dân bản hiểu về pháp luật còn hạn chế, vì việc cập nhật thông tin còn khó khăn. Còn bây giờ, chúng tôi được cán bộ Biên phòng đến tận nơi, tuyên truyền bằng “Tiếng loa Biên phòng”, nên dần dần chúng tôi đã hiểu và nắm chắc các văn bản pháp luật. Người dân bây giờ không còn nghe và tin theo lời kẻ xấu, sống và làm việc theo pháp luật, cùng chung tay với BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc”…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, bản. Ảnh: Đức Duẩn

Tại các khu vực tổ, chốt, ngoài hoạt động tuần tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ tại đây cũng tiến hành tuyên truyền, phát tờ rơi, vận động người dân tham gia tố giác tội phạm, không xuất, nhập cảnh trái phép, thực hiện tốt các quy định khi qua lại biên giới, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hoạt động này không chỉ giúp phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, những hành vi vi phạm pháp luật, mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn biên giới.

Ông Giàng Vửn Pao, bản Na Sa Phìn, xã Huổi Luông nói: “Người dân được BĐBP tuyên truyền pháp luật, đồng thời cũng được giáo dục ý thức về biên giới, biết giữ gìn cột mốc biên giới, xem quốc gia. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng nhờ “Tiếng loa Biên phòng” mà người dân hiểu biết và chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch, tự bảo vệ tốt cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Với biện pháp tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, thông qua mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông đã nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới. Người dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn biên giới quốc gia, bảo vệ đường biên, cột mốc, qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển vùng biên, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới. “Tiếng loa Biên phòng” không chỉ là phương tiện, mà còn là “cầu nối” gắn kết tình cảm quân dân nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc.

Đức Duẩn

Bình luận

ZALO