Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

“Tiếng loa Biên phòng” giúp dân nâng cao ý thức phòng dịch

Biên phòng - Sau khi ăn cơm sáng xong, Trung úy Chau Cuốn, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang quân phục chỉnh tề, kiểm tra lại chiếc loa thùng di động của đơn vị. Rồi anh đặt chiếc loa lên giá đỡ trên chiếc xe gắn máy và chạy về hướng ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Thiếu tá Trần Văn Bình, Đội phó Đội Vận động quần chúng thì kiểm tra lại số lượng khẩu trang đã được chuẩn bị sẵn rồi chạy xe máy đi cùng Trung úy Chau Cuốn thực hiện nhiệm vụ.

cu4n_1a
Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang thực hiện tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ Phú Mỹ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lạc Âu Thành

Khoảng 7 giờ, Trung úy Chau Cuốn đỗ chiếc xe gắn máy bên vệ đường bê tông thuộc ấp Rạch Gỗ, gần quán cà phê của gia đình chú Ba Phong. Khi kiểm tra chiếc xe đã được dựng chắc chắn, Trung úy Chau Cuốn lấy chiếc điện thoại di động để mở lại từ đầu file thu âm đã được lưu sẵn. Những âm thanh rộn rã của bài hát “Việt Nam quyết thắng đại dịch” được phát ra, sau đó đến các nội dung tuyên truyền. Những người dân tạm dừng việc trò chuyện để cùng lắng nghe nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 được phát ra từ chiếc loa di động. Trong lúc đó, Trung úy Chau Cuốn cùng Thiếu tá Trần Văn Bình bước vào quán cà phê, vừa hồ hởi cười, chào mọi người, vừa lấy khẩu trang ra phát và hướng dẫn người dân đang ngồi trong quán sử dụng cho đúng cách.

Anh Tăng Văn Thắng sau khi nhận chiếc khẩu trang vải màu trắng từ tay Thiếu tá Trần Văn Bình liền đeo lên theo hướng dẫn. Anh vui vẻ nói: Tôi cũng như người dân ở đây quanh năm quen với công việc đồng ruộng, ít ai có thói quen đeo khẩu trang, nhất là cánh đàn ông. Tuy nhiên, thời gian qua, các chú BĐBP phát loa tuyên truyền và trực tiếp vận động, tôi đã hiểu được việc đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người là một biện pháp để hạn chế sự lây nhiễm của dịch Covid-19.

Ông Năm Hồ, ngồi gần anh Thắng cho biết thêm: Loa của các anh BĐBP không chỉ phát bằng Tiếng Việt, mà còn phát cả bằng tiếng Khmer với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu và rất thiết thực. Qua đó, giúp cho người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như những biện pháp để phòng, chống dịch như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, ăn chín, uống sôi...

Sau khoảng 20 phút, nội dung phát trên loa chuyển qua giai điệu của bài hát “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” để kết thúc cho nội dung tuyên truyền đã được thu âm. 2 cán bộ của Đồn Biên phòng Phú Mỹ chào bà con trong quán cà phê rồi chạy xe đến địa bàn ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi để tiếp tục nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiểu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết: Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Chính trị, BĐBP Kiên Giang, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Tiếng loa Biên phòng” để tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế tụ tập đông người. Chỉ cần cán bộ chạy xe máy, mang theo USB hoặc điện thoại thông minh có kết nối bluetooth với chiếc loa thùng di động là đã có thể di chuyển đến gần như mọi con đường, địa điểm, từng nhà dân để tuyên truyền những nội dung được thu âm sẵn.

zh34_4a
Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Lạc Âu Thành

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hiểu, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã giao đồng chí Chính trị viên phó chuẩn bị nội dung tuyên truyền theo từng tuần, từng tháng sát với hướng dẫn của cấp trên và thực tế đời sống của nhân dân trên địa bàn 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi; tổ chức thu âm bằng tiếng Việt và tiếng Khmer nội dung tuyên truyền và copy vào điện thoại thông minh của cán bộ Đội Vận động quần chúng để đi tuyên truyền lưu động.

Hằng ngày, theo sự phân công của chỉ huy đơn vị, cán bộ Đội Vận động quần chúng chở loa đến các địa điểm thường có đông người tập trung như chợ Phú Mỹ, chợ Tà Teng, ấp Trà Phọt... hoặc theo các tuyến đường có nhiều nhà dân trên địa bàn 2 xã Phú Mỹ, Phú Lợi để phát các nội dung đã thu âm sẵn. “Vì nhân dân trên địa bàn đang mùa thu hoạch lúa nên phải chọn vào những thời điểm mà người dân ở nhà vào buổi sáng sớm, chiều tối. Bước đầu thực hiện mô hình “Tiếng loa Biên phòng” đã thu hút hơn 500 lượt người nghe và người dân ở 2 xã Phú Mỹ, Phú Lợi luôn chấp hành nghiêm quy định về qua lại biên giới, khai báo y tế, hạn chế tụ tập đông người...

Ông Lê Văn Mong, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ đánh giá: “Tiếng loa Biên phòng” của Đồn Biên phòng Phú Mỹ là một mô hình dễ thực hiện, tính cơ động cao, phù hợp với đặc điểm địa bàn biên giới và hiệu quả thiết thực. Qua thời gian ngắn triển khai, mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Tin tưởng rằng, mô hình này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, góp phần củng cố sự đồng thuận của nhân dân với lực lượng BĐBP và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi biên giới để chiến thắng dịch bệnh.

Lạc Âu Thành

Bình luận

ZALO