Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Tiếng khóc trên đỉnh núi Khưa Thoang và cuộc giải cứu kỳ diệu

Biên phòng - Sau 3 giờ đồng hồ bám mình lần theo vách đá, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, BĐBP Cao Bằng đã giải cứu thành công 5 phụ nữ và 1 cháu nhỏ chưa đầy 2 tuổi bị mắc kẹt trên núi Khưa Thoang khi đang tìm đường từ Trung Quốc về Việt Nam. Tiếng khóc ngằn ngặt vì đói, sợ hãi của con khiến người mẹ càng thêm xót xa, thế nhưng, khi nghe thấy tiếng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP thì chị biết rằng, hai mẹ con sẽ sống và an toàn.

8 công dân nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam do Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn phát hiện ngày 16-2-2022. Ảnh: Nguyễn Hưng

13 giờ 30 phút, ngày 16-2-2022, tổ tuần tra của Chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 số 7 (gọi tắt là Chốt số 7), Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực xóm Khưa Thoang, xã Lý Quốc (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) phát hiện 2 người đàn ông có dấu hiệu nhập cảnh trái phép. Danh tính 2 người đàn ông được làm rõ, là Ly Seo Súa, sinh năm 1991, trú tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai và Đậu Công Dũng, sinh năm 1975, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Theo lời khai, Ly Seo Súa làm công nhân tại xưởng sản xuất đồ chơi ở tỉnh Quảng Tây, còn Đậu Công Dũng làm công nhân trong nhà máy may mặc tỉnh Quảng Tây. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà chức trách Trung Quốc lại tăng cường các biện pháp kiểm soát người cư trú bất hợp pháp, sợ bị bắt nên Ly Seo Súa và Đậu Công Dũng tìm cách về Việt Nam. Ly Seo Súa và Đậu Công Dũng cho biết, trên núi còn 5 người phụ nữ và 1 cháu nhỏ gần 2 tuổi đang mắc kẹt, vì núi cao, trời mưa, đường trơn trượt nên không dám đi xuống.

Thượng úy Nguyễn Văn Hưng, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, phụ trách Chốt số 7 cùng tổ công tác đi vào chân núi Khưa Thoang theo hướng 2 đối tượng Ly Seo Súa và Đậu Công Dũng khai báo. Sau một thời gian tìm kiếm tại các địa điểm người nhập cảnh trái phép thường lựa chọn để đi qua, bắc tay làm loa gọi to: “Có ai trên núi không, chúng tôi là BĐBP đây”, cuối cùng Thượng úy Nguyễn Văn Hưng và tổ công tác cũng nghe thấy có tiếng đáp vọng lại: “Chúng tôi ở trên núi, có 6 người tất cả”.

Như vậy, thông tin có người mắc kẹt trên núi là đúng. Thượng úy Nguyễn Văn Hưng nhanh chóng báo cáo về chỉ huy đồn. Trung tá Vũ Văn Giảng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn cử 1 tổ công tác gồm 6 đồng chí, do Thiếu tá Nông Đình Sự, Phó Đồn trưởng làm Tổ trưởng, tổ chức giải cứu những người bị mắc kẹt trên núi Khưa Thoang.

Trước và sau Tết, lượng người nhập cảnh trái phép qua biên giới tỉnh Cao Bằng tăng mạnh. Chỉ tính riêng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, từ ngày 1-1-2022 đến nay, đơn vị đã phát hiện, tiếp nhận gần 1.000 công dân Việt Nam do lực lượng chức năng phía Trung Quốc trao trả. Chốt số 7 quản lý 5,3km đường biên giới chạy qua núi Khưa Thoang. Đây là ngọn núi cao với những vách đá dốc đứng, cheo leo.

Thời gian gần đây, do phía Trung Quốc kiểm soát gắt gao về các hoạt động của người xuất, nhập cảnh trái phép, nên những người muốn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam phải lựa chọn chỗ vắng lực lượng chức năng Trung Quốc để có cơ hội qua biên giới nhanh nhất.

Trong số 1.000 công dân do Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn tiếp nhận, thì 500 người đi qua khu vực Chốt số 7. Vách đá dốc đứng nên gần như chỉ có đàn ông mới dám tìm đường xuống, còn phụ nữ, trẻ em chỉ còn cách ngồi trên đỉnh núi và chờ... bị BĐBP phát hiện, giải cứu. Đã nhiều lần, cán bộ, chiến sĩ Chốt số 7 phải giải cứu những người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam mắc kẹt lại trên núi Khưa Thoang.

Gần đây nhất, ngày 29-1-2022, cũng chính là ngày 30 Tết, Chốt số 7 đã cứu sống được chị Cao Thùy Dương (36 tuổi, quê thành phố Hải Phòng) trong khi nhập cảnh trái phép, vì trời mưa, vách núi cheo leo nên đã ngã xuống vực. Nhiều lần phải giải cứu công dân nhập cảnh trái phép bị mắc kẹt nên cán bộ, chiến sĩ Chốt số 7 có kinh nghiệm.

Hầu hết khi đến Việt Nam, các công dân gần như chỉ còn lại quần áo, còn tiền bạc đã bị trấn cướp dọc đường. Những lần phát hiện người mắc kẹt trên núi, các anh bỏ thêm vào ba lô ít bánh, vài lon nước tăng lực để mọi người ăn uống lấy sức xuống núi. Lần này, biết có cháu nhỏ, Thượng úy Nguyễn Văn Hưng cầm theo mấy hộp sữa tươi.

Mất gần 1 giờ đồng hồ lần bám vách đá, tổ giải cứu của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn cũng lên tới được đỉnh Khưa Thoang. Đến nơi, những người lính Biên phòng thấy 5 người phụ nữ đang ngồi co ro vì lạnh. Cháu nhỏ khóc ngằn ngặt có lẽ vì đói quá. Thấy những người lính Biên phòng, có người không giấu nổi sự vui mừng nên đã òa khóc.

Chị Tiên và con nhỏ đã được BĐBP giải cứu. Ảnh: Hoàng Văn Bạc

Trèo lên đã khó, xuống núi càng khó hơn, nhất là với phụ nữ chân yếu tay mềm, lại thêm cháu nhỏ. Thiếu tá Nông Đình Sự chỉ đạo, mỗi cán bộ kèm một người để đưa qua những đoạn vách đá cheo leo. Thượng úy Đàm Lâm Công, nhân viên Đội Kiểm soát hành chính nhận nhiệm vụ ôm cháu bé, bám theo dây thừng để xuống núi.

Chị Lâm Thị Cẩm Tiên (là mẹ của cháu nhỏ gần 2 tuổi) chia sẻ câu chuyện của mình. Chị là người Khmer, quê ở tận huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Năm 2019, nghe theo lời bạn bè, chị xuất cảnh sang Trung Quốc, vào làm công nhân trong một cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em ở tỉnh Quảng Đông. Tại đây, chị quen và chung sống với 1 người tên Tùng và sinh ra cháu Lâm Hòa. Tuy nhiên, mấy tháng trước, 2 người chia tay, chị Tiên chán nản nên quyết định về Việt Nam.

Qua mạng xã hội, chị được một nhóm người nói sẽ đưa về biên giới Việt Nam với tiền công 5 vạn tệ. Gom góp, vay mượn, chị và con lên xe với mong muốn được trở về quê hương. Chuyến xe “đổ”, mọi người xuống xóm Nặm Tâu, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, rồi người lái xe chỉ đường để họ đi tới biên giới Việt Nam.

“Lúc ngồi trên đỉnh núi nhìn xuống, em biết rằng khó mà an toàn tính mạng nếu mình đi xuống. Đi cũng không được, quay lại cũng không xong, con thì khóc vì đói khát. Chắc mẹ con em bỏ xác trên núi, nếu không được được các anh BĐBP giải cứu. Sau lần này, về quê, em sẽ tìm việc làm, kiếm tiền nuôi con, không dám liều lĩnh xuất cảnh trái phép nữa” - chị Tiên ôm con vào lòng nói chắc nịch.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO