Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Tiếng hót sáng rừng biên cương

Biên phòng - Cuối năm 2020, dù dịch bệnh còn phức tạp, nhưng để chuẩn bị cho chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chúng tôi vẫn có chuyến công tác lên huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thật trùng hợp là cũng vào dịp đó, chính quyền và nhân dân xã Phong Nặm cũng đang tổ chức chương trình “Ngày hội bảo tồn Vượn Cao-vít 2020”. Không khí háo hức đã cho thấy người dân vùng biên quý trọng loài vượn Cao-vít và rất tự hào khi miền rừng xa xôi này được loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất thế giới lựa chọn là nhà.

Đại diện UBND xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trao phần thưởng cho những cá nhân có thành tích trong việc tìm hiểu, bảo vệ loài vượn Cao-vít của xã Phong Nặm năm 2020.

Qua 17 năm được bảo tồn trong những vạt rừng bị chia cắt thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao-vít Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và vùng rừng liền kề thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bang Lượng, địa khu Tịnh Tây, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã phát triển lên đến 18 đàn với gần 130 cá thể.

Đối với những người lính ở Đồn Biên phòng Ngọc Chung và Đồn Biên phòng Ngọc Côn, BĐBP Cao Bằng, thì mỗi chặng tuần tra của các anh “sang” không kém các cụ ta xưa làm cách mạng, giống như câu thơ “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/Vượn hót chim kêu suốt cả ngày” mà Bác Hồ đã ứng tác năm nào. Bởi vẻ đẹp của núi rừng, sự cộng sinh của muông thú và muôn hồng ngàn tía của thảm thực vật nhiệt đới nơi đây đã hồi sinh. Đã vậy, những người bạn có chỏm mũ đen cứ líu lo trầm bổng như dẫn đường, tiếng hót lẫn trong mây trắng và lá xanh, cứ vút cao như tiếng chuông bạc của thần Rừng treo nơi đầu gió.

Lọt giữa không gian xanh và mát lạnh của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao-vít, chúng tôi bất chợt giật mình vì tiếng hót vọng lại từ ngọn cây sau sau lá đỏ. Cậu lính nghĩa vụ của Đồn Biên phòng Ngọc Côn còn rất trẻ người Tày nhanh miệng bảo: “Vượn hót đấy các thủ trưởng ạ. Người Tày quê em nghe tiếng hót “cao... vít, huýt... cao... vít, huýt... huýt...” rất trong, rất vang của nó nên đặt tên luôn là vượn Cao-vít.”

Anh Nông Văn Tạo, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn cho chúng tôi biết, kể từ năm 2005, với sự vào cuộc trách nhiệm của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) cùng chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc, dự án trao đổi, hợp tác giữa hai nước trong việc bảo tồn loài và khu sinh cảnh vượn Cao-vít đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Đến tháng 9 năm 2011, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng và Sở Lâm nghiệp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, bảo tồn xuyên biên giới loài và khu vực sinh cảnh vượn Cao-vít phương Đông.

Theo biên bản ghi nhớ này, lực lượng chức năng hai nước mỗi năm giao ban 4 lần, thiết lập đường dây nóng để thường xuyên liên lạc, trao đổi những vấn đề nảy sinh trong công tác bảo vệ vượn và vùng sinh cảnh của chúng. Mỗi năm hai lần, hai khu bảo tồn sẽ tổ chức “Hội đàm cột mốc” tại khu vực mốc quốc giới số 778 và 784 để giao lưu, bàn thảo những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ khu sinh quyển đặc biệt này. Nhân viên đội bảo vệ rừng của hai nước thành lập một đội tuần tra chung và thường xuyên tổ chức tuần tra để tăng cường các hoạt động ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phá rừng, săn bắt động vật hoang dã nói riêng.

“Chúng tôi rất tích cực trao đổi thông tin bảo tồn, bàn thảo biện pháp bảo tồn và thực hiện chung sức bảo tồn. Tình cảm giữa những cán bộ làm công tác bảo tồn Việt Nam - Trung Quốc rất hữu hảo” - anh Dương Giang, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên vượn Cao-vít phương Đông Bang Lượng đã hào hứng trả lời chúng tôi như vậy qua cuộc gọi đường dây nóng giữa hai khu bảo tồn. Anh cũng lấy làm tiếc là do dịch bệnh, nên công tác hội đàm, gặp gỡ giữa Ban quản lý hai khu bảo tồn có phần hạn chế. Song, hai bên vẫn thường xuyên thông tin về di biến động của các đàn vượn trên khu vực rừng biên giới này.

Sau 14 năm triển khai hành động bảo tồn liên hợp, những khu rừng bị phá hủy của vùng biên giới Trùng Khánh - Bang Lượng tràn đầy sức sống và hệ động thực vật nơi đây đã phong phú hơn rất nhiều. Tổ chức FFI đã cùng với chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu các mối đe dọa để bảo tồn loài vượn và các loài động thực vật quý hiếm khác thuộc hệ sinh thái Kaster này. Đã có nhiều nhóm tuần tra rừng cộng đồng được thành lập với thành viên chính là người dân bản địa. Dự án đã hỗ trợ sinh kế cho người dân vay vốn chăn nuôi, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng và thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân như hoạt động “Ngày hội bảo tồn Vượn Cao-vít” ở các xã biên giới Phong Nặm, Ngọc Côn, Ngọc Chung mà tôi có dịp tham gia.

Giờ đây, người dân biên giới đã hiểu và tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng, tìm kiếm, tháo bỏ những chiếc bẫy của đối tượng săn bắn động vật cài cắm giữa rừng sâu hoặc băng bó, cứu sống những động vật không may mắc bẫy. Dẫn chúng tôi tới những khu ruộng bậc thang bỏ hoang, ông Đinh Hà Sum, Bí thư chi bộ xóm Pác Ngà - Bó Hay, kiêm Tổ trưởng tuần tra rừng cho biết, dân xóm Pác Ngà - Pó Hay đã không còn tùy tiện phát rừng làm nương nữa mà đã có ý thức bảo vệ rừng hơn trước. Bà con đã trồng các loại cây bản địa để làm chất đốt để hạn chế việc vào rừng kiếm củi.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng vào tháng 5-2021, ông Josh Kempinski, Giám đốc quốc gia Tổ chức FFI Chương trình Việt Nam khẳng định, kể từ khi tham gia bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này, FFI đã luôn nhận được sự quan tâm, hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và Trung Quốc. Sự phối hợp tuyệt vời của Chính phủ và lực lượng chức năng hai nước đã trở thành tấm gương cho công tác bảo tồn động, thực vật xuyên quốc gia.

Tôi ngước mắt nhìn lên thấy non xanh ngàn tuổi không già, chiều buông dần trên những mỏm đá Karst sắc mỏng. Tiếng hót của loài vượn quý cứ thoắt gần, thoắt xa như chơi trò đuổi bắt, như lời chào tạm biệt. Và thấm thía một điều rằng, rằng trái đất không nên chỉ là tổ ấm của con người, mà phải là tổ ấm của muôn loài.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO