Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 04:31 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông mới:

Tiếng dân tộc thiểu số được đưa vào môn học tự chọn

Biên phòng - Ngày 27-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo thông tin về Chương trình giáo dục phổ thông mới.

aihu27fjrs-9044_f_jq7decg31_IMG0381
Tiếng dân tộc thiểu số được đưa vào môn học tự chọn. Ảnh: Viết Hà

Các môn học ở Chương trình phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Theo đó, cấp Tiểu học có 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4, lớp 5); Khoa học (lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Cùng với đó là 2 môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (lớp 1, lớp 2).

Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày). Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương). Cùng với đó là 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Thời lượng giáo dục 1 buổi/ ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày). Nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học: Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thực hiện mục tiêu "Phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, Trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng", nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới có những điểm khác biệt là được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Theo Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới mới Nguyễn Minh Thuyết, so với hiện hành, chương trình các môn học có nhiều điểm mới, chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học được vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Với mục tiêu giáo dục phổ thông là phải góp phần chuyển nền giáo duc nặng về kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học.

V.H

Bình luận

ZALO