Biên phòng - Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị đầu tiên của lực lượng BĐBP triển khai, làm tốt công tác xây dựng Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, nhằm phát huy vai trò của quần chúng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Nói để dân hiểu
Đồn Biên phòng Nhâm quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 33km, gồm 11 mốc quốc giới. Phía đối diện tiếp giáp với bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào), có đường mòn tiểu mạch khu vực mốc 650 và 651, là nơi qua lại của nhân dân hai bên biên giới.
“Là cán bộ, chiến sĩ BĐBP, hơn ai hết, chúng tôi luôn ghi nhớ, biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, rất cần phát huy vai trò trách nhiệm của người dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc” - Trung tá Hoàng Minh Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ.
Thượng tá Hồ Văn Lực, Chính trị viên đồn còn cho biết: Phần lớn người dân A Lưới nói chung, người dân các xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Nhâm và xã Hồng Bắc (địa bàn do Đồn Biên phòng Nhâm phụ trách) nói riêng luôn có ý thức trong việc bảo vệ “hàng rào” của “nhà” mình. Lúc lên rẫy, vào rừng kiếm măng, hái nấm..., phát hiện người lạ có hành vi vượt biên trái phép, hoạt động buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, khai thác lâm khoáng sản qua biên giới, xâm canh xâm cư..., người dân đều báo với chính quyền địa phương và đồn Biên phòng biết để xử lý.
Nhưng, làm thế nào để phát huy hơn nữa vai trò to lớn của quần chúng? Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, chính là điểm mấu chốt để mở ra vấn đề này. Ngay sau khi có kế hoạch của UBND huyện A Lưới, Đồn Biên phòng Nhâm phối hợp các cấp ủy Đảng, chính quyền 4 xã, quán triệt đến các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, đặc biệt là các tổ chức, hộ dân, cá nhân có ruộng, nương sát với đường biên giới.
“Ban ngày, người dân bận lên rẫy, vào rừng nên chúng tôi tranh thủ buổi tối, các buổi họp thôn để lồng ghép tuyên truyền về quy chế hoạt động, nghĩa vụ và quyền lợi khi tự nguyện tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới. Nói để dân hiểu, dân rất ủng hộ. Thật vui mừng khi bà con hưởng ứng nhiệt tình”- Anh Lực nói.
Dân ủng hộ
24 tổ, 55 nhóm, 638 gia đình đã ký cam kết tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới. Những con số trên đã “bày tỏ” sự hưởng ứng của người dân. Thế nhưng, khi gặp gỡ trò chuyện, chúng tôi mới thấm thía, không con số nào đo đếm được tấm lòng, tình cảm của bà con đối với mảnh đất biên giới, máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi mà họ đang sống một cuộc sống lao động giản dị và bình yên.
Anh Hồ Văn Phúc (thôn A Đâng, xã Hồng Thái) cho biết, anh rất vinh dự khi gia đình mình là một thành viên của nhóm hộ bảo vệ rừng. Giao rừng cho anh chăm sóc, bảo vệ chứng tỏ Nhà nước giao sự tin tưởng nơi anh. Bố của anh ngày xưa đã từng là bộ đội đánh Mỹ để bảo vệ rừng này, đất này, thì nay, con cháu càng phải ủng hộ bằng cách làm thật tốt. Trước đây, mỗi khi đi rẫy, đi rừng, thấy người lạ có hành vi khả nghi, người dân cũng báo tin cho BĐBP. Nay, khi đã cam kết tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, các nhóm chủ động thường xuyên đi tuần tra. Mỗi chuyến tuần tra, dù mệt nhọc nhưng tinh thần ai cũng hăng hái, phấn chấn.
“Nghe BĐBP giải thích, chúng tôi hiểu tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới là mình được Nhà nước tin tưởng giao chung tay góp sức bảo vệ đất đai, tài sản của bản thân mình, của quê hương đất nước mình, bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ. Vậy nên trong những chuyến tuần tra, đứng trước mốc quốc giới, chúng tôi cảm nhận một tình cảm thiêng liêng mà gần gũi”- Anh Phúc nói.
“Từ khi tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, nhóm tôi (gồm 10 gia đình) đã chủ động thực hiện nhiều chuyến tuần tra. Có chuyến phối hợp với lực lượng Kiểm lâm ngăn chặn được hành vi khai thác gỗ trái phép, thấy vui lắm. Đó là đóng góp thiết thực của mình” - Anh Hồ Văn Bê (thôn A Đâng) hào hứng chia sẻ. Anh Bê nói: Đất của Nhà nước giao cho nhóm quản lý, nên ai nấy đều phấn chấn, hăng hái hơn trong việc canh tác, bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ tài sản của Nhà nước.
“Đây cũng là suy nghĩ, tình cảm của 638 hộ dân có ruộng đất sát với đường biên giới ký cam kết tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, đồng thời, cũng là suy nghĩ, tình cảm của nhân dân A Lưới đối với chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Có sự đồng thuận cao của người dân, Đồn Biên phòng Nhâm mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, là một trong những đơn vị đầu tiên trong lực lượng Biên phòng triển khai, làm tốt công tác xây dựng Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới. Hiện nay, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai”- Thượng tá Hồ Văn Lực, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ.
Lê Văn Nguyên