Biên phòng - Ngày 1-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”. Việc thảo luận thông qua đề án này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, thể chế hóa quy định tại Khoản 2, Điều 5, Hiến pháp năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
- Đảm bảo an ninh-quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Tham vấn sáng kiến xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi
- Đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo
Theo Tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 xã, phường, có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng. Trong những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, vùng này vẫn tồi tại “5 nhất”: Tỷ lệ nghèo cao nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất, điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, điều kiện KT-XH thấp nhất. Từ tình hình trên, “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” nhằm giải quyết những khó khăn của vùng, thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước và thể chế hóa quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Hiến pháp năm 2013. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển...”.
Chính phủ đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá, “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào, góp phần tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng, để nâng cao hiệu quả đề án, cần giải quyết được một số vấn đề quan trọng, gắn phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN với việc bảo đảm quyền tự quyết của các dân tộc; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bảo tồn chữ viết, tiếng nói, bảo đảm không gian sống (đất ở, đất sản xuất), nghiên cứu lịch sử phát triển... của các dân tộc thiểu số; bảo đảm cho đồng bào sinh hoạt văn hóa, tôn giáo theo quy định của pháp luật; đào tạo, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số; bảo đảm quyền bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS&MN...
Kết luận phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại biểu, trong quá trình hoàn thiện đề án trình Quốc hội thông qua, Chính phủ cần quan tâm các chính sách về đất ở, nhà ở và phát triển lâm nghiệp để người dân phát triển kinh tế rừng, sống được từ rừng.
Đặc biệt, quan tâm thực hiện bình đẳng giới, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, cố gắng vươn lên, không cam chịu đói nghèo. Đồng thời, coi trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc các dân tộc, gắn với phát triển du lịch đem lại lợi ích kinh tế cho đồng bào.
Qua ý kiến của các đại biểu cho thấy, để tránh sự dàn trải trong thực hiện chính sách, cơ quan thực hiện đề án phải đồng bộ hóa, tập trung các chính sách, nguồn lực phát triển vùng DTTS&MN vào một đầu mối; kết hợp hiệu quả giữa đầu tư ngân sách gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội trong thực hiện đề án, tránh tình trạng "chính sách như một loại quả đẹp nhưng đồng bào không ăn được"; hợp lý hóa các chính sách hỗ trợ. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất gắn với lợi thế, đặc thù của địa phương... để đồng bào phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương...
Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), đề án phải “đánh thức” được tiềm năng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực, làm chủ cuộc sống và tạo sinh kế thu nhập cho đồng bào như: Xây dựng kinh tế hộ sao cho phù hợp với vùng DTTS&MN, làm thay đổi bộ mặt cảnh quan miền núi; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này; khuyến khích người dân khởi nghiệp để làm chủ trên chính mảnh đất của mình; tiến hành giao đất rừng của các nông lâm trường cho bà con, để dân có tư liệu sản xuất...
Cùng quan điểm với đại biểu Thu Trang, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ những vấn đề cốt lõi giúp đồng bào DTTS&MN phát triển. Đại biểu khẳng định, vùng DTTS&MN là địa bàn rất khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, trình độ, nhận thức của người dân về công nghệ, kỹ năng, sản xuất kinh doanh... còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn ngân sách quốc gia hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH của vùng này. Đảng đã đưa chủ trương, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, tất cả các bộ, ngành, tỉnh thành phải có chương trình hành động để thực hiện.
Trong chương trình này, điều quan trọng nhất là huy động nguồn vốn đầu tư. Về kinh phí, Quốc hội, Chính phủ phải xem xét để có mức đầu tư hợp lý. Bên cạnh đó, phải huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân ở chính địa bàn đó cùng chung tay phát triển kinh tế. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng phải vào cuộc giúp người dân được vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Viết Hà