Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 08:46 GMT+7

Tiệm cắt tóc di động của lính Biên phòng

Biên phòng - “Người thầy giáo mang quân hàm xanh”; “Người thầy thuốc mang quân hàm xanh”; “Người chiến sĩ văn hóa mang quân hàm xanh”... đó là những tên gọi thân thiết, gần gũi mà đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới dành tặng cho người chiến sĩ BĐBP. Giờ đây, họ - những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia lại có thêm tên thân thương nữa, đó là những “tay kéo Biên phòng”. 3 tháng nay, đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, các chiến sĩ Biên phòng Bình Phước lại mang “tài lẻ” về với thôn, ấp để “làm đẹp” miễn phí cho nhân dân, trẻ em nơi đây.

28w3_4a
Chương trình “Tay kéo Biên phòng” do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thực hiện tại ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Ảnh: Hồng Ánh

Giữa tháng 3-2018, Đoàn Thanh niên BĐBP Bình Phước phát động phong trào “Tay kéo Biên phòng”. Ngay sau đó, 100% các đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã thành lập các tổ cắt tóc miễn phí cho nhân dân địa bàn đơn vị phụ trách. Trên thực tế, việc những cán bộ, chiến sĩ mang áo lính cắt tóc “tự phục vụ” cũng không còn xa lạ. Với đặc điểm đóng quân ở xa trung tâm, việc đi lại khó khăn nên mỗi đơn vị có một vài “tay kéo” để anh em tự cắt tóc cho nhau là chuyện hết sức bình thường ở các đồn Biên phòng. Khi rảnh rỗi thì những “tay kéo” này lại cắt tóc cho nhân dân trên địa bàn. 

Có mặt tại điểm trường Tà Thiết thuộc ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, chứng kiến cảnh các em học sinh háo hức, ngồi ngay ngắn chờ đến lượt mình được cắt tóc khiến chúng tôi không khỏi tò mò. “Con thích kiểu tóc nào thì chú chiều kiểu tóc đó. Dạ, tóc giống anh Hồng Duy đá bóng ạ. Được, con ngồi ngay ngắn chú cắt nhé!”; “Con thì thích kiểu nào? Dạ, kiểu đầu “mào gà” ạ...” -  Đó là một vài câu trao đổi giữa Trung úy chuyên nghiệp Dương Văn Đệ, nhân viên Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Vát và các cháu học sinh đang ngồi cắt tóc mà chúng tôi ghi nhận được. Tay thoăn thoắt với chiếc kéo trên tay, anh Đệ vừa cắt tóc, vừa nói chuyện, pha trò với các cháu nên không khí rất vui vẻ. “Trước giờ mình vẫn thường cắt cho mọi người trong đơn vị và một số người dân, nhưng chưa bao giờ lại có đông “khách” như hôm nay. Những ngày đầu, anh em tự cắt cho nhau, lâu dần “trăm hay không bằng tay quen”. Giờ thì chỉ cần chiếc kéo với chiếc lược, ai muốn cắt tóc kiểu gì, mình cũng chiều ý được” - Trung úy Đệ khoe.

Theo quan sát của chúng tôi, trong một buổi sáng, 3 “thợ” cắt tóc của Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Vát đã “làm đẹp” được cho hơn 40 cháu học sinh đang theo học ở điểm trường Tà Thiết và người dân địa phương. Ngoài cắt tóc, các chiến sĩ Biên phòng còn bấm móng tay, hướng dẫn các cháu vệ sinh cá nhân, tay chân, thân thể.

Ở một địa điểm khác, ngay từ sáng sớm, rất đông bà con và các cháu nhỏ đã có mặt tại Nhà văn hóa ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh để được các chú Biên phòng cắt tóc miễn phí. Vừa nhìn các “tay kéo” cắt tóc cho con mình, anh Điểu Minh Hiếu, ấp 8C, xã Lộc Hòa cảm động: “Gia đình nghèo nên tôi vẫn tự cắt tóc cho 2 đứa con của mình nhưng xấu lắm. Nghe mọi người nói, hôm nay, các chú Biên phòng đến cắt tóc nên tôi chở 2 cháu đến. Các chú cắt rất đẹp mà lại chẳng lấy tiền”.

Cũng giống như Trung úy Đệ, Trung úy Lý Nam Hà đang công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cũng “bén duyên” với việc cắt tóc khi mới vào quân ngũ. Trung úy Hà kể: Anh phát hiện ra mình có chút năng khiếu khi một lần cắt tóc cho anh em trong đơn vị. Từ đấy, anh tự đầu tư hẳn 1 bộ đồ cắt tóc đầy đủ tông-đơ, kéo cắt, kéo bấm, rồi tự học, lâu dần thành quen. Không chỉ cắt cho anh em, đồng đội, mà còn cắt tóc cho cả người dân trên địa bàn đơn vị đóng quân.

“Mình công tác trên biên giới, gần gũi nên hiểu được nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc ăn ở, vệ sinh, chăm sóc bản thân. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, mình vẫn dành thời gian để cắt tóc cho đồng bào và các cháu học sinh. Làm thêm một việc thì sẽ vất vả hơn một chút, song điều mình nhận lại là sự tin yêu, quý mến và nụ cười hài lòng của bà con” – Trung úy Hà chia sẻ.

Khác với các đơn vị khác, ngoài những thợ cắt tóc “hàng nội”, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư còn vận động thêm các bạn đoàn viên, thanh niên Chi đoàn địa phương cùng tham gia tổ cắt tóc. Chị Hà Thị Diệu Hiền, Bí thư Chi đoàn ấp Thạnh Cường, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) là một thợ cắt tóc giỏi. Chị Hiền cho biết, tiệm cắt tóc của chị khá đông khách, thu nhập bình quân mỗi ngày đều không dưới 200 ngàn đồng. Thế nhưng, khi được mời tham gia cắt tóc miễn phí cho đồng bào các dân tộc và học sinh, chị vui vẻ nhận lời ngay. “Mình còn trẻ, lại là một người dân trên khu vực biên giới tham gia các hoạt động của tuổi trẻ, mình muốn được đóng góp một phần sức trẻ cho địa phương cũng như mang lại tiếng cười, niềm vui cho các em nhỏ” - Chị Hiền vui vẻ.

Trung tá Bùi Mạnh Lịch, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cho biết: “Tay kéo Biên phòng” là một chương trình cần được nhân rộng vì nó mang tính nhân văn rất lớn. Khi có chủ trương của trên, đơn vị đã thành lập được 2 tổ cắt tóc miễn phí cho người dân, mỗi tổ có 4 đến 5 người, trong đó có ít nhất 2 đồng chí cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Mỗi tháng một lần, các tổ cắt tóc sẽ cơ động đến các ấp khác nhau trong xã Lộc Hòa để cắt tóc miễn phí cho các cháu học sinh và đồng bào các dân tộc địa phương. Ngoài ra, tại Nhà công tác địa bàn của đồn cũng sẽ có một đồng chí luôn sẵn sàng cắt tóc cho người dân khi có nhu cầu.

Theo Thượng úy Phan Văn Trung, Trợ lý công tác quần chúng, BĐBP Bình Phước: “Ngay khi có chủ trương của trên, lấy tổ chức Đoàn Thanh niên làm chủ công, mô hình “Tay kéo Biên phòng” đã được phát động sâu rộng trong tất cả các đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, các chi đoàn đã thành lập được 32 tổ cắt tóc miễn phí, mỗi tổ có 2 đến 3 đồng chí. Chương trình được triển khai ít nhất mỗi tháng một lần, tùy vào từng đơn vị và địa bàn cụ thể sẽ tổ chức cắt tóc miễn phí cho người dân, nhất là các em nhỏ, làm cho mối quan hệ quân dân ngày càng thắm thiết, sâu đậm hơn.

Hồng Ánh

Bình luận

ZALO