Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 08:25 GMT+7

Tiếc thương những người tiên phong cứu dân

Biên phòng - Chiều muộn ngày 15-10, tại khu vực sạt lở đất thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Quân khu 4 và các cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu dân. Sự hy sinh của những người tiên phong mở đường cứu dân đã để lại nỗi đau, mất mất lớn đối với quân đội, chính quyền, nhân dân và gia đình. 

Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 lên đường tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác bị mất liên lạc khi thực hiện nhiệm vụ cứu dân. Ảnh: Khánh Trình

Tiên phong thực hiện nhiệm vụ cứu dân

Mưa lũ kéo dài tại miền Trung đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải gánh chịu những tổn thất vô cùng lớn về tính mạng và tài sản. Ngày 12-10, khi tình hình lũ lụt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang còn rất phức tạp, chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện dồn sức hỗ trợ nhân dân ứng phó thì nhận được thông tin xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế khiến chính quyền địa phương, nhân dân vô cùng lo lắng. Trong khi con đường vào địa điểm nói trên bị lũ chia cắt không thể tiếp cận, hệ thống thông tin liên lạc bị mất sóng.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định thành lập đoàn công tác gồm 21 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ tiền trạm, tiếp cận hiện trường xác minh thông tin, thu thập dữ liệu, lên phương án cứu hộ, cứu nạn nhân dân. Trưa ngày 12-10, đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 phụ trách bắt đầu hành quân hướng về thượng nguồn sông Rào Trăng, trong điều kiện mưa rừng mỗi lúc một lớn, nhiều đoạn đất, đá sạt lở ngổn ngang. Sau thời gian dài mưa liên tục, đồi núi “no nước” như những quả bom chờ chực ập xuống. Nguy hiểm, vất vả luôn rình rập, nhưng với trách nhiệm, trái tim luôn hướng về nhân dân, đoàn công tác vẫn tiếp tục tiến lên.

Trong đêm tối, đoàn công tác dò đường hành quân với quyết tâm tiếp cận sớm nhất vị trí nghi xảy ra sạt lở đất. Mãi đến đêm khuya, khi đến khu vực Trạm Kiểm lâm Tiểu khu 67, đoàn mới dừng lại nghỉ chân. Thế nhưng, khi cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tiền trạm vừa chợp mắt, những tiếng nổ liên tục phát ra từ khu đồi phía sau, trong tích tắc, đất đá đổ xuống khu nhà, 8 người may mắn thoát được ra ngoài, 13 cán bộ, chiến sĩ bị mất liên lạc.

Nén đau thương thực hiện nhiệm vụ

Sau khi nhận được thông tin xảy ra sự cố sạt lở núi tại Trạm Kiểm lâm Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế khiến 13 cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác mất liên lạc, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẩn trương tổ chức lực lượng và triển khai phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, các đơn vị vẫn tập trung, huy động mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất chạy đua với thời gian quyết tâm hoàn thành công tác tìm kiếm trong thời gian ngắn nhất. Trong đó, Lữ đoàn Công binh 414 và Sư đoàn 968 đã triển khai, sử dụng phương tiện, máy móc mở đường tiếp cận vị trí sạt lở, nơi đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế trú chân và bị mất liên lạc. Bộ Quốc phòng lập cầu hàng không, bảo đảm trinh sát, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men kịp thời chi viện cho cán bộ, nhân dân các khu vực bị cô lập, chia cắt và mất liên lạc.

Lực lượng công binh Quân khu 4 sử dụng máy móc thông đường vào khu vực đoàn công tác gặp nạn. Ảnh: Khánh Trình

Đến trưa ngày 14-10, tổ công tác do Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy lực lượng đi trước, với gần 100 cán bộ, chiến sĩ đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở tại Trạm Kiểm lâm Tiểu khu 67, khẩn trương tìm kiếm nhưng không có kết quả. Hy vọng có người gặp nạn sống sót dần tắt đi. Sáng sớm ngày 15-10, sau khi đường thông, các lực lượng đã tổ chức hành quân đến hiện trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Tổ công tác 10 cán bộ, huấn luyện viên và 3 chó nghiệp vụ của BĐBP cũng có mặt tại hiện trường thực hiện việc tìm kiếm.

Thượng tá Đinh Văn Nguyên, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ 192, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Chúng tôi rất đau xót khi thủ trưởng, đồng đội của mình gặp nạn. Nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ phải nén nỗi đau để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này”. Chiều muộn cùng ngày, khu vực sạt lở đất vẫn có mưa to, lực lượng cảnh giới phải luôn quan sát đề phòng núi tiếp tục sạt lở, đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ. Sau bao sự mệt mỏi, nỗ lực của lực lượng cứu hộ, thi thể cuối cùng của thành viên đoàn công tác đã được tìm thấy trong sự tiếc thương vô hạn của lực lượng làm nhiệm vụ.

Anh Sơn

Bình luận

ZALO