Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 05:18 GMT+7

Tích cũ, hồn xưa trong tái dựng nghi lễ kinh thành Huế

Biên phòng - Di tích kinh thành Huế, niềm tự hào của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử nước ta xưa nay mới chỉ tồn tại như một di sản vật thể về nghệ thuật kiến trúc dành cho khách tham quan. Việc tái tạo cho di sản một đời sống mới không dễ, đòi hỏi tính chính xác, sự nghiêm túc, khách quan và cũng hao tâm tổn sức của những người tâm huyết với di sản văn hóa.  

Tái hiện nghi lễ đổi gác tại cửa kinh thành Huế. Ảnh: TTH

Gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có bước đi táo bạo là phục dựng các nghi lễ của triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945). Đây là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, sau đó có nhiều biến động lịch sử và trải qua chiến tranh khiến di sản văn hóa của đất cố đô đã phần nào bị phai nhòa, quên lãng.

Trải qua vài mùa du lịch trọng điểm đã qua ở kinh thành Huế, việc phục dựng nghi lễ đã trở thành nếp và là một phần của hành trình khám phá văn hóa, phong tục của kinh thành xưa. Hôm nào thiếu mất trình diễn nghi lễ, du khách thấy thiếu và cảm giác chưa hoàn thiện sự hiểu biết của mình về kinh đô xưa.

Ông Mark D, một du khách chờ đợi ở cửa Ngọ Môn chờ xem nghi lễ đổi gác của lính cấm vệ được tái dựng, nói: “Tôi thích thú với văn hóa lịch sử kinh đô phong kiến xưa của châu Á, nó như một cuốn phim cổ trang sống động vậy. Tôi chờ ở đây để xem phần trình diễn nghi lễ rồi mới đi tiếp vào kinh thành”.

Nghi lễ cố cung được đưa vào phục dựng lần lượt là lễ thướng tiêu, lễ đổi gác, các hoạt động tuần phòng Tử Cấm Thành của đội cấm vệ quân, các nghi lễ múa hát cung đình phục vụ vua, hoàng hậu và các phi tần nhà Nguyễn. Tra cứu theo sử sách, triều đình nhà Nguyễn ăn Tết Nguyên đán trong 12 ngày, từ 25 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng.

Trong các ngày ấy, các vua Nguyễn tổ chức lễ thướng tiêu vào ngày 23 hoặc 30 tháng Chạp. Dịp Tết còn có lễ Tết vua ở điện Thái Hòa, lễ ban yến cho các quan đại thần, lễ mừng Tết Thái hậu, lễ dâng hương cúng tổ tiên ở Thái miếu, Thế miếu và mừng tuổi cho các thành viên hoàng gia và quan lại, binh lính.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có khát vọng phục dựng lại toàn bộ các nghi lễ này vào dịp Tết, còn ngày thường phục vụ khách tham quan, họ trình diễn đời sống thường nhật của kinh thành, mong muốn tái hiện đời sống và hơi thở trăm năm của đại nội. Đó không chỉ hướng đến mục tiêu phục vụ khách tham quan, mà còn là một dự án lâu dài nhằm giữ lại hồn cốt cho di sản. Nghi lễ cố cung được nhắc lại bằng hình thức phục dựng là cách làm hay của những người làm công tác bảo tồn di tích Huế, hé mở phần nào bí ẩn về đời sống nội cung nhà Nguyễn vốn xa lạ với dân chúng và bị bao phủ bởi bức màn bí ẩn, có phần ly kỳ mà sử sách ghi lại đẫm màu giai thoại chứ không phải sự thực kỹ lưỡng.

Ví dụ điển hình là trò chơi đầu hồ của triều đình nhà Nguyễn mà tương truyền vua Tự Đức rất giỏi chơi trò này. Đó là trò chơi ném mũi tên gỗ về đích dành riêng cho cung đình, chỉ có vua quan và giới thượng lưu được chơi. Trò cũng thất truyền khá lâu và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục dựng thành công. Vào trong đại nội bây giờ, du khách thậm chí có thể được thử sức với trò chơi này, thử hưởng thụ đời sống của vua quan thuở trước. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ đối với mỗi du khách.

Ngoài việc thử trang phục, thử tham gia điện chầu, chiếu chầu, các nghi lễ cung đình, thưởng thức ẩm thực cung đình thì việc thử trò chơi là một hạng mục rất hấp dẫn với du khách. “Một ngày làm vua – thử cả trò chơi và thách thức trí tuệ như một vị vua là điều du khách muốn trải nghiệm. Về mặt tổ chức, tái hiện từng bước các trò chơi không khó. Nhưng khó ở chỗ, người tổ chức phải mang về đương đại không khí cổ xưa, không gian văn hóa cố cung để mọi du khách và người tham gia vào hành trình ngược thời gian này có thể cảm nhận được. Nó có thể phải đạt đến trình độ làm ảo hóa không gian bằng thuật đánh tráo thời gian, làm du khách cảm nhận như hư, như thực không khí đang diễn ra trên sân đại nội, trên chính cung điện xưa” – Quốc Dũng, một hướng vẫn viên du lịch chia sẻ.

Quốc Dũng vốn là một người con ưu tú của thành phố Huế, am hiểu về văn hóa của đất cố đô và làm nghề hướng dẫn viên du lịch đã lâu năm tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong ngôn ngữ giao tiếp, anh luôn sử dụng những từ ngữ cũ, cách nói nhẹ nhàng, giao tiếp thanh lịch đúng kiểu con người xứ Huế. Anh luôn gọi di tích cố cung là kinh thành, như nó vẫn đang là một Tử Cấm Thành đúng nghĩa, và quần thể di tích quốc gia đặc biệt cố đô Huế bao gồm cố cung và các thái miếu là đại nội.

Người Huế là vậy. Họ luôn là những con người mang đậm dấu ấn văn hóa Huế, luôn nuôi dưỡng niềm tự hào khi ở đất cố đô. Chính họ đã tham gia vào từng mắt xích, từng khâu trong việc phục hiện lại đời sống kinh thành Huế. Và nói một cách thật công bằng, văn hóa cố cung còn tiềm ẩn trong từng con người Huế, đó chính là trải nghiệm mà du khách thích thú khi đến với di tích này, trải nghiệm và giao tiếp với chính di tích thông qua những con người ấy.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO