Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Thuyền trưởng học cảm tình Đảng

Biên phòng - Ngư dân Võ Xuân Cẩm (sinh năm 1962) cẩn trọng viết đi viết lại 3 lần đơn xin vào Đảng. Suốt mấy chục năm bám biển và làm nhiều việc tốt, ông được Chi bộ thôn Hải Tân, Đảng ủy xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu đi học cảm tình Đảng, học lý luận chính trị. Ông Cẩm thêm trăn trở với những dự định sắp tới để xứng đáng với chức trách, nhiệm vụ người đảng viên và đại biểu HĐND xã.

Ông Võ Xuân Cẩm (thứ 2 từ trái sang, ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Chương

Chia sẻ với cộng đồng

Làng chài Mỹ Á, xã Phổ Quang nằm về phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Âu thuyền tại đây được xây dựng khá đẹp, đủ sức chứa hàng ngàn tàu cá công suất lớn. Tuy nhiên, do thay đổi về dòng chảy của biển đã tạo ra nhiều cồn cát ngầm dễ gây đắm chìm tàu thuyền. Do điều kiện cửa lạch ra vào nguy hiểm, vì vậy, ông Cẩm cùng nhiều ngư dân luôn giữ vai trò liên kết những con tàu đánh bắt gần bờ, xa bờ để sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.

Khi con tàu thoát ra khỏi cửa biển, vẻ căng thẳng tan biến trên nét mặt của ông Cẩm. Ông nhìn vào ống kính và nói với tôi về nỗi băn khoăn khi cửa biển này gây tai nạn cho nhiều ngư dân bám biển. Mỗi khi có một chiếc tàu phun khói đen đặc - dấu hiệu của chân vịt và bụng tàu chạm vào cồn cát nổi thì ông Cẩm lại hô hào bà con trong xóm sẵn sàng hỗ trợ. Nếu con tàu xoay ngang thì phải có tàu ra lai dắt, nếu không tàu sẽ bị đẩy vào khu vực có đá ngầm.

“Đoàn kết, hỗ trợ, quyên góp” là cụm từ mà trong suốt buổi nói chuyện trên tàu thường được ông Cẩm nhắc nhiều lần. Khi ra biển đánh bắt, gần 250 tàu cá của ngư dân Mỹ Á đã tổ chức chia thành cụm để đánh bắt. Ông Cẩm cho biết, ở trong bờ thì nhiều người nhầm tưởng cứ sắm được máy quét dò cá hiện đại thì sẽ có thu nhập tốt, nhưng thực ra là máy quét cũng chỉ dò được một khu vực có bán kính nhỏ xung quanh tàu theo chiều ngang nên gọi là máy dò ngang, còn máy quét truyền thống thế hệ cũ là máy dò đứng, có nghĩa là chỉ dò được cá dưới đáy con tàu.

Nắm được những hạn chế này, ông Cẩm và ngư dân Mỹ Á khi ra khơi luôn tạo thành nhiều cụm đánh bắt. “Hiện nay, mỗi tàu ra khơi thì có ít nhất 2 chiếc kẹp đôi, nếu có cá chỗ nào thì gọi tàu khác tới đánh” – ông Cẩm chia sẻ kinh nghiệm. Và nhờ phương pháp này mà ngư dân làng chài Mỹ Á có được thu nhập ổn định. Ông Cẩm thống kê, có rất nhiều tàu cá mỗi năm chia phần bạn được trên 100 triệu đồng, có tàu chia phần gần 200 triệu đồng.

Bỏ việc nhà lo việc làng

Năm 2012, Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang ra đời, ông Cẩm được bầu vào Nghiệp đoàn. Ông Trần Nổi, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang là đảng viên. Tuy nhiên, về chuyên môn nghề biển, kinh nghiệm để huy động bà con ngư dân tham gia vào các hoạt động trên biển, tạo ra mối đoàn kết gắn bó thì ông Cẩm là người có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng làng chài. Sau vài năm Nghiệp đoàn đi vào hoạt động, Chi bộ thôn Hải Tân và Đảng ủy xã Phổ Quang tín nhiệm, giới thiệu ông Cẩm đi học cảm tình Đảng.

Trước băn khoăn của nhiều bạn thuyền về việc học cảm tình Đảng sẽ ảnh hưởng đến công việc đi biển, ông Cẩm cho biết: “Các đợt học này đều rơi vào cuối vụ mùa, một số tàu cá vẫn đi biển, nhưng tôi gác chuyện nhà vài hôm, nói anh em bạn thông cảm để đi học thêm lý luận, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng”.

Sau đợt học cảm tình Đảng, ông Cẩm nhận 1 cuốn lý lịch của người xin vào Đảng và bắt đầu viết đơn. Phải viết đến lần thứ 3 thì lý lịch mới không còn phải chỉnh sửa. Bởi dù đã học hết cấp 3, nhưng nhiều năm đi biển, bàn tay đã quen với kéo lưới, giờ cầm bút viết và nói lên nguyện vọng của mình được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì ông Cẩm trở nên lúng túng.

Việc ông Cẩm đi học cảm tình Đảng cũng được ngư dân địa phương hết sức đồng tình. Vì mỗi khi đi biển về, ông Cẩm quán xuyến việc làng, việc xã, thấy khu vực rừng dương liễu thường bị phát hỏa thì gọi vợ con gồng ghánh lên phát quang, tạo hành lang chống cháy, thu gom lá dương liễu. Ông cũng thường xuyên nhắc nhở bà con không được đốt rác, ném thuốc lá ở khu vực rừng dương vào mùa khô hanh. Nhưng việc làm nổi bật nhất của ông Cẩm là mỗi khi có tàu thuyền ngư dân bị nạn thì lập tức đi vận động bà con tham gia cứu nạn, thông báo tình hình cho ngư dân trên biển để tạo ra nhiều tấm lòng vàng.

Quy tụ cộng đồng

Việc huy động cả làng chài quyên góp từ thiện thành công nhất ở Quảng Ngãi hiện nay thì chỉ có ở cửa biển Mỹ Á, mà trong đó, vai trò cá nhân của ông Cẩm khá nổi bật. Vụ tàu cá QNg98016TS của ngư dân Nguyễn Công Trứ bị mắc cạn, ông Cẩm vừa đi biển về đã vội vã huy động hàng chục tàu cá tổ chức ứng cứu, huy động 150 ngư dân ra kéo lưới, gom đồ đạc trên tàu chở vào bờ. Ngay sau đó, ông Cẩm với vai trò là Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá đã trích 3 triệu đồng để hỗ trợ nóng, cùng với các đoàn viên chia thành 2 tổ đi quyên góp. Tổng cộng số tiền được huy động là gần 100 triệu đồng.

Những chiếc tàu trước đó bị tai nạn như tàu cá QNg98783TS của ông Nguyễn Văn Tư, hay tàu QNg98459TS của ông Huỳnh Thạch bị tai nạn cũng được ông Cẩm huy động cả làng chài hỗ trợ mỗi tàu cá 100 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, ông Cẩm đã huy động được gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân bị nạn, gia đình có tang, tàu cá bị mắc cạn, bị chìm...

Trong ngôi nhà cấp 4 khá ngăn nắp của ông Cẩm luôn treo tấm ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng trong phòng khách. Ông Cẩm tâm sự rằng, hằng ngày nhìn lên ảnh Bác Hồ, ông luôn nghĩ phải cố gắng sống chân thành và đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO