Biên phòng - Nhắc đến Tây Nguyên, chắc hẳn mọi người đã biết đến các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Các nét văn hóa độc đáo ấy được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau và một trong những nét văn hóa đặc sắc ấy phải kể đến chiếc thuyền độc mộc - nét văn hóa tâm linh ở Tây Nguyên.
Nhiều người đã biết, thuyền độc mộc là một dạng thuyền truyền thống có lịch sử lâu đời ở Tây Nguyên, được đục từ một thân cây gỗ lớn nguyên vẹn, thường là những loại cây gỗ chịu nước và nhẹ như gỗ sao, gỗ khộ..., khó bị mối mọt, có tuổi thọ và độ bền cao khi ngâm dưới nước... Nhưng nhiều nét độc đáo, lạ lẫm trong quá trình tạo ra loại thuyền này chưa hẳn ai cũng biết hết về nó.
Trước đây, ở những buôn làng Tây Nguyên, thuyền độc mộc không chỉ là công cụ lao động gần gũi hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên lưu vực các con sông và các hồ mà còn là một nét văn hóa rất đặc sắc, là tài sản khẳng định vị thế xã hội trong cộng đồng buôn làng. Gia đình nào có vị thế về nhân lực, khá giả về của cải, vật chất thì mới có được thuyền độc mộc.
Theo các người già ở Tây Nguyên kể lại, trước đây, để làm thuyền độc mộc, người dân phải cử 5 đến 6 trai làng trẻ khỏe như “cây to trên rừng” vào sâu trong rừng tìm cây gỗ có thân to và thẳng.
Tương truyền, khi đi kiếm gỗ trong rừng, ngoài việc chú ý xác định hướng đi, người tìm còn phải lắng tai nghe tiếng hót của chim pơ lang. Nếu loài chim này hót phía trước, nghĩa là chúng đang dẫn đường và đó là điềm lành mách bảo việc làm thuyền sẽ thuận lợi. Nếu loài chim này hót phía sau thì dù công việc có thuận lợi đến mấy cũng phải quay về vì thần rừng không đồng ý, nếu cố gắng sẽ rước tai họa vào thân, thuyền khó hoàn thành, dễ bị vỡ hoặc bị thủng...
Trước khi chặt cây, phải cúng Yàng (trời, thần linh), xin phép thần rừng. Lễ vật cúng thần gồm một con gà, ché rượu cần... Sau khi thủ tục cúng tế xong, mọi người tổ chức dùng rìu chặt cây, chặt xong thì đẽo bốn mặt gỗ cho vuông, đều. Sau đó, tiếp tục dùng rìu đẽo lòng thuyền và mặt ngoài mạn thuyền cho thật trau chuốt, cân đối đến khi chiếc thuyền có hình dáng như ý. Khi đẽo, người thợ luôn phải cẩn trọng, tỉ mỉ từng nhát rìu và quan trọng là phải có con mắt tinh tường để đẽo cho các bộ phận tổng quan trên thân thuyền cân đối, hài hòa để khi hạ thủy, mạn thuyền không nghiêng ngả mà giữ được thế cân bằng giữa trọng lượng của thuyền với mặt nước…
Không chỉ vậy, đến công đoạn cuối thử thuyền trước khi hạ thủy, nghệ nhân làm thuyền phải lật úp thuyền xuống và đặt quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền này khi xuống nước sẽ không bị nghiêng lệch và đảm bảo tốt mọi yêu cầu về chất lượng. Với mong muốn có sự may mắn, an toàn cho gia chủ và chiếc thuyền, nên trước khi hạ thủy, họ thường tổ chức cúng Yàng. Lễ vật cho lễ tạ ơn này gồm một con gà, ché rượu cần. Sau buổi lễ, gia chủ mời họ hàng và người thân đến ăn tiệc, mừng thành công, mừng gia đình...
Tuy nhiên, hiện nay, cây gỗ lớn, thích hợp ngày càng khó kiếm nên việc làm thuyền độc mộc cũng trở nên hiếm hoi, những người biết đẽo thuyền cũng dần mất đi theo thời gian. Điều đặc biệt là phương tiện đi lại trên sông ngày càng thuận tiện hơn..., do vậy, thuyền độc mộc đang dần trở thành “hoài niệm” trong tâm trí của người dân ở Tây Nguyên.
Bá Thăng