Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 05:55 GMT+7

Thường xuyên thay đổi nội dung sách giáo khoa ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

Biên phòng - Chiều 30-5, Quốc hội tổ chức thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Qua thảo luận các đại biểu thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.

hy9sxwkq23-81_3775407471638790352_a1
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ. Ảnh: Viết Hà

“Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo rất cần sửa đổi, bổ sung Luật, nhưng Luật Giáo dục đã sửa đổi lần thứ 3 và trong tương lai sẽ có 3 Luật sửa đổi, bổ sung. Mỗi Luật sẽ có một nghị định, hơn một thông tư kèm theo để thực hiện Luật. Vì vây, nên hợp nhất thành Luật Giáo dục 2018 thay thế Luật sửa đổi 2005 và 2009, kèm theo đó có các quy định cụ thể, chi tiết hơn, tạo thuận lợi khi Luật được thực thi”. - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị.

Góp ý cụ thể các quy định của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) quan tâm đến quy định chuyển chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, sang tín dụng sự phạm. Đại biểu cho rằng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm xuất phát từ tình trạng thiếu giáo viên, cách đây gần 20 năm. Chính sách này đã phát huy tác dụng ở giai đoạn 1995-2000, đã thu hút được nhiều học sinh có trình độ khá, giỏi theo học ngành sư phạm. Hiện nay, trên cả nước có 13 trường đại học, 33 trường cao đẳng sư phạm, dự báo đến năm 2020 sẽ thừa hơn 70 nghìn giáo viên. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ thay đổi chuyển chính sách miễn học phí sang tín dụng cho sinh viên ngành sư phạm.

“Miễn học phí cho sinh viên sư phạm, thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Tuy ngành giáo dục đang đứng trước tình trạng thừa giáo viên, nhưng không nên xóa bỏ chính sách có tính ưu việt này. Muốn tiếp tục thu hút người có trình độ, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi, có tâm huyết, cần có chính sách đủ mạnh hơn nữa như: miễn học phí, miễn tiền ký túc xá, khi tốt nghiệp sinh viên được đứng trên bục giảng ngay. Đồng thời, quy định chặt chẽ công tác tuyển dụng và quy hoạch bố trí việc làm sau tốt nghiệp, có thế mới phát triển được ngành giáo dục”. - Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.

5b0ecd4d471e3ce5790014aa
Đại biểu Quách Thế Tản. Ảnh: Viết Hà

Một số đại biểu quan tâm đến chính sách đổi mới nội dung sách giáo khoa, đang ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình): Ngành giáo dục trong những năm qua có nhiều đổi mới, nhưng có những đổi mới không được tốt, như nội dung sách giáo khoa thay đổi liên tục.

“Hệ thống giáo dục phổ thông cách đây mấy chục năm, một bộ sách giáo khoa sử dụng rất ổn định trong nhiều năm, một bộ sách anh học xong, giữ gìn để em học, bạn học, nhưng chất lượng học tập rất tốt. Còn hiện nay, sách giáo khoa thường xuyên thay đổi, nhưng chất lượng giáo dục lại hạn chế, gây tốn kém cho người dân, ảnh hưởng đến việc học tập của con em người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…”. - Đại biểu Quách Thế Tản nhấn mạnh.

Đồng quan điển, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng: Sách giáo khoa phải có tính ổn định, dung được lâu dài. Sách giáo khoa hiện nay chỉ dùng một lần, gây lãng phí, chỉ làm giàu cho các nhà in, không đem lại hiệu quả giáo dục. Đã xảy ra trường hợp phụ huynh tự đi mua sách, khi con đến trường khai giảng, cô giáo trả lại, bảo sách này không học được. Do đó, nếu quy định các nhà trường được tự chủ trong sử dụng sách giáo khoa, dễ xảy ra hiện tượng, một nhà trường đang sử dụng ổn định bộ một bộ sách phù hợp với trình độ học sinh ở đó. 2 năm sau ông hiệu trưởng về hưu, người kế nhiệm lại dùng bộ sách khác, dẫn đến một học sinh 5 năm học hai bộ sách thì hậu quả khôn lường. Vì vậy, rất cần thiết có một bộ sách ổn định trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Viết Hà 

Bình luận

ZALO