Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 09:19 GMT+7

Thượng úy Trần Bình Phục - năng lượng từ tâm

Biên phòng - “Tôi đã làm được gì đâu, tất cả cho bọn trẻ đỡ khổ hơn thôi mà” - Thượng úy Trần Bình Phục luôn nói với tôi như vậy. Có 2 thứ vốn liếng ban đầu để anh trở thành thầy giáo mang quân hàm xanh, linh hồn của lớp học Tình thương trên đảo Hòn Chuối, Cà Mau. Đó là giọng nói đặc biệt truyền cảm, ấm áp đến mức lay động và đức khiêm nhường, từ tâm ẩn chứa một vẻ thật thà chân chất cùng với sự chịu đựng nắng gió biển khơi của người lính Biên phòng đóng quân trên đảo xa.

ns1g_8b
Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục cùng học trò đến lớp học Tình thương. Ảnh: Lê Khoa

Để đứng trên bục tôn vinh, chia sẻ về công việc dạy học tại lớp học Tình thương của Đồn Biên phòng (BP) Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau trên diễn đàn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta kỉ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, Thượng úy Trần Bình Phục đã có 8 năm ở vị trí người thầy giáo quân hàm xanh. Là một trong số 70 gương mặt điển hình tiêu biểu, 70 đóa hoa thi đua ái quốc thì Thượng úy Phục tự hào là chiến sĩ tiếp tục thực hiện cuộc chiến trên mặt trận diệt giặc dốt. Anh cảm thấy mình đã kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đó là niềm tự hào rất lớn của người lính.

Trở về di tích ATK Thái Nguyên, thăm những chiếc lán bình dân học vụ của 70 năm trước, Trần Bình Phục lặng người xúc động. Không khác lắm so với lớp học Tình thương của anh và 22 học sinh nghèo trên đảo Hòn Chuối bây giờ. Nơi hằng ngày có tiếng đọc bài ê a, giọng nói ấm áp của người lính Biên phòng đứng lớp làm thầy giáo và những ánh mắt hồn nhiên, sáng lên hy vọng của trẻ thơ.

Trần Bình Phục là Đội phó Đội Vận động quần chúng của Đồn BP Hòn Chuối. Hồi mới được luân chuyển ra đảo theo nhiệm vụ, anh thương những đứa trẻ thất học của những gia đình nghèo làm nghề đánh cá trên biển Tây Nam, rồi sống dạt rày đây mai đó xung quanh cái eo biển này. Bản thân cuộc sống của họ đâu có ổn định. Hòn đảo có 2 mặt Đông và Nam, mỗi mùa gió chướng hay gió Nam thì dạt qua phía ngược lại để làm nhà ở né gió. Dân gian an ủi phận người rằng, “không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời”, vậy mà những số phận con người ở đây cứ lặp đi lặp lại cái đói nghèo và mù chữ. Đời cha đã vậy, đời con, đời cháu cũng một hành trình vật vã với bữa ăn hằng ngày.

Thượng úy Phục quyết tâm cùng anh em Đội Vận động quần chúng thuyết phục bọn trẻ tới lớp học. Anh cho biết, điều khó khăn nhất là đi vận động, nói cho bọn trẻ hiểu rồi còn thuyết phục cả gia đình các em. Ở đây, trẻ nhỏ xíu đã là lao động trong gia đình, cha mẹ mang theo khi ra khơi. Để nó tới trường là trẻ đói, gia đình người ta cũng đói. Trần Bình Phục nghĩ ra cách nói với tiệm tạp hóa ở trên đảo, nếu có trẻ nhỏ đói quá, tiệm cứ bán chịu mì gói, bánh kẹo, nước ngọt cho chúng. Tới kỳ lĩnh lương, anh sẽ gửi trả cho tiệm. Vậy mà không đứa nào dám ăn “thả ga” lương của thầy, nghe thấy chúng bảo nhau: “Thầy cũng nghèo, ăn nhiều rồi thầy không có tiền trả, thầy vào đất liền lấy ai dạy tụi mình học?”.

22 học sinh trong lớp học giờ có đủ các lớp, ngồi chung luôn một phòng học. Thượng úy Phục phải soạn giáo án sao cho đủ các lớp, lúc giảng, bọn trẻ ngồi chung với nhau không bị mất tập trung. Cho đến bây giờ, trải qua nhiều thế hệ cán bộ BĐBP dạy học, đã có trẻ được vào đất liền học tiếp lên cao. Trước đây, tài sản lớn nhất của thầy và trò chỉ có tấm bảng cũ mèm kê trên lớp. Mới đầu, tấm bảng chia đôi cho 2 lớp 2 bên, giờ chia hoài mãi ra, thành chữ U luôn. Lớp học đặt trên cao để mùa nào trẻ ở phía Nam đảo, phía Đông đảo cũng đi tới lớp được. Có đứa nhỏ quá, ngày nào thầy cũng phải cõng qua những bậc đá trơn trượt để lên lớp. Cứ thế thầy và trò lặng lẽ mà làm nên một câu chuyện kì tích, một ngọn đèn sáng giữa khơi xa, giữa cộng đồng dân cư nghèo đói trên đảo Hòn Chuối.

Muốn đẩy lùi cái tăm tối của đời người, không còn con đường nào khác là phải biết chữ. Tôi biết dạy chữ đã khó, còn phải dạy làm người, dạy nuôi những ước mơ hoài bão của trẻ nhỏ. Sao cho lũ trẻ này lớn lên rồi sẽ làm hòn đảo thay đổi mà cha anh của chúng nhiều thế hệ đi trước chưa làm được.

Thượng úy Phục kể có lần một học trò siêu quậy, cá tính của anh tên là Nguyễn Anh Dũng bỏ học giữa chừng. Sau giờ lên lớp, anh tìm đến nhà cậu bé. Mẹ cậu nói, Dũng đi câu ở ngoài ghềnh. Trần Bình Phục lại ra ghềnh tìm cậu học trò nhỏ, dù chưa biết phải làm gì để cậu quay lại lớp. Anh cầm cái cần câu của cậu bé bẻ làm đôi và nói quay lại lớp học, để tương lai em không phải đi câu kiếm cơm từng bữa thế này. Nhưng cậu bé không quay lại. Trong đầu cậu bé chỉ nghĩ đi câu được cá bán có tiền luôn, có bữa no hơn là đi học.

Nhiều ngày sau đó, kiên nhẫn và kiên nhẫn, anh trở lại bên cậu bé, mang cần câu tới câu cá cùng nó. Ngày nào cũng thân tình trò chuyện, không đả động gì tới lớp học nữa. Cuối ngày câu được chừng nào anh cho cậu nhỏ hết để nó bán lấy tiền mua gạo. Tới chừng 1 tuần trôi qua, một buổi chiều, cậu học trò ném cần câu quay lại nói với thầy: “Thầy, mai con đến lớp”.

Không phải người cha nào cũng truyền dạy được nhân cách cho con mình. Trần Bình Phục đã làm được điều đó, anh không khác gì cha của bọn trẻ. Năng lượng của anh dồi dào từ trong cái tâm sáng. Anh đi làm công việc khai tâm sáng để tâm mình sáng. Với cơ thể vốn mang trọng bệnh, trải qua nhiều lần sinh tử, công tác ngặt nghèo và nhất là nhìn thấy nỗi vất vả của người dân, Trần Bình Phục như được giác ngộ. Lý tưởng của anh là mang sự từ tâm của mình lan tỏa ra cộng đồng, truyền cảm hứng và tình yêu cuộc sống cho tất cả. Lúc nào anh cũng nói: “Những điều tôi làm nhỏ lắm, các anh chị cũng làm được, ai cũng có thể làm được”.

Thượng úy Trần Bình Phục chia sẻ, cho đến bây giờ, vì nhiệm vụ do đặc thù công tác, chỉ huy phân công tôi tới đâu, tôi cũng nhận nhiệm vụ tới đó. Nhưng trong thâm tâm, tôi muốn ở lại đảo Hòn Chuối, với lũ trẻ mà mình đã gắn bó bao nhiêu năm qua. Thật may mắn là giờ đây, nhờ các phương tiện truyền thông, đã có nhiều người biết tới lớp học Tình thương này. Các đơn vị, cá nhân đã tài trợ dựng lớp học, bàn ghế, máy phát điện, quạt mát và cả máy vi tính cho các em.

Đảo Hòn Chuối nằm ở vị trí chiến lược an ninh - quốc phòng, gần đường hàng hải quốc tế. Hòn đảo 64ha, chỉ có 54 hộ dân với 176 khẩu và 2 đơn vị bộ đội cùng Trạm hải đăng Hòn Chuối. Người dân ở đây làm nghề đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, đắp đổi qua ngày. Mùa đổi gió nào cũng lao đao di chuyển với sự ám ảnh về cơn bão biển hủy diệt năm 2005 đã qua hơn một thập kỷ mà hậu quả của nó vẫn còn lại đến bây giờ.

Với hòn đảo này, giọt nước là giọt máu. Mà giờ, ám ảnh về sự thiếu thốn không còn nữa là nhờ có lớp học Tình thương của thầy và trò như bông hoa nở giữa đảo. Cứ từng chút một, tình thương từ khắp nơi gửi về. Trần Bình Phục nói, anh còn phải xin bà con cô bác gom góp xây dựng cho bọn trẻ một cái sân chơi. Tất cả tình thương yêu anh dồn vào bọn trẻ, nếu quyết tâm thì anh sẽ làm được, mà phải làm được.

Bởi một lẽ giản đơn, anh là người lính Bộ đội Cụ Hồ. “Tôi và nhiều thế hệ người lính Biên phòng sẽ tiếp tục sát cánh cùng người dân, vì một ngày mai trẻ trưởng thành, đẩy lùi cái đói nghèo đã cố hữu trên vùng biển Tây Nam này” - Trần Bình Phục chia sẻ.

Năm 2013, Thượng úy Trần Bình Phục và Đồn BP Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau được tổ chức UNESCO công nhận là “địa chỉ nhân văn” tại Lễ khởi động Con đường Nhân văn, lần thứ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thượng úy Trần Bình Phục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 4 năm liền (2014-2017). Anh nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng vì thành tích trong Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014 – 2017; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì thành tích đóng góp cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, hải đảo năm 2017; Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì thành tích bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ năm 2017.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO