Biên phòng - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra đi về miền mây trắng, để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam cùng nhân dân cả nước niềm tiếc thương lớn. Mọi người nhắc nhớ đến ông là nhớ tới một con người thông minh, ham học hỏi, ham hiểu biết, có trí nhớ tuyệt vời; lịch lãm, tinh tế, song cũng rất thẳng thắn với đồng chí, đồng đội, với cấp trên và với đối tác và đặc biệt tình nghĩa, thủy chung với các bậc tiền bối, với anh em, bạn bè. Cũng là nhớ tới một người lính mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua nhiều định kiến, có tầm nhìn và mẫn cảm về chính trị, giàu khát vọng và có nhiều cống hiến cho Quân đội, cho đất nước.
Trong quá trình công tác của mình, tôi có nhiều dịp được tiếp xúc với ông trong một số sự kiện đối ngoại quan trọng trên biên giới. Tôi hết sức ngưỡng mộ tầm tư duy chiến lược của ông khi ông chia sẻ những quan điểm của mình trong quá trình dự thảo Chiến lược quốc phòng Việt Nam và nhất là đối sách với các quốc gia láng giềng, các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, khi tôi được đọc phần chính sách quốc phòng "4 không" và "1 tùy", được công khai trong Sách trắng quốc phòng do ông đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thì lại càng nể trọng sự minh triết, quyết liệt của một nhà quân sự kiên định nhưng mềm dẻo, không né tránh những vấn đề gai góc trong quan hệ quốc tế.
Vị tướng đối ngoại này đã trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng và sau đó là gần 12 năm đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có vai trò then chốt trong nhiều tiến trình hợp tác an ninh trong khu vực từ song phương tới đa phương. Với sự nhạy cảm và bản lĩnh của người trọn đời làm công tác tình báo quân sự, ông nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy lòng tin giữa các quốc gia và quân đội các nước thông qua hoạt động đối thoại, diễn tập chung nhằm ứng phó với những thách thức chung của khu vực và thế giới. Đồng thời, có nhiều ý kiến tham mưu quan trọng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng ứng phó với những vấn đề phức tạp về địa chính trị của nước ta, bảo vệ triệt để mọi lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Tôi đặc biệt nhớ lần đầu tiên gặp ông khi ông nhận lời làm nhân vật giao lưu trong Chương trình "Biên cương thắm tình hữu nghị" lần thứ nhất, năm 2014. Trên sóng truyền hình trực tiếp hôm ấy, ông chia sẻ: “BĐBP của chúng ta có những cái tên rất là đẹp như “Người chiến sĩ vệ binh quốc gia” hay “Người gác cổng của đất nước”, “Người chiến sĩ quân hàm xanh”... nhưng họ lại chịu rất nhiều khó khăn, gian khổ khi đứng chân trên địa hình vùng sâu, vùng xa hết sức phức tạp. Tôi hết sức trân trọng khi các đồng chí không chỉ làm tốt công tác xây dựng, quản lí và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đối ngoại biên phòng, mà còn tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, cải thiện giáo dục, xây dựng hệ thống cơ sở chính trị, giúp nhân dân định canh định cư trên biên giới... để tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân tại những địa bàn trọng yếu. Chúng ta nghe chưa đủ mà cần phải nhìn người chiến sĩ Biên phòng dạy chữ cho trẻ em, chăm sóc cho người bệnh và quan tâm, nâng giấc những người già yếu, cô đơn... Có tận mắt chứng kiến, chúng ta mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc về tình cảm quân dân thắm đượm nơi biên giới qua những thực tế giản dị như vậy”.
Xuất phát từ sự thấu hiểu và tình yêu mến ấy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn cho rằng, BĐBP đã và đang làm rất tốt việc xây dựng một biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển với các nước láng giềng. Ông đánh giá cao nỗ lực để vun đắp mối quan hệ giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân các nước láng giềng để chúng ta bảo vệ biên giới bằng tình hữu nghị, sự tin cậy, yêu quý lẫn nhau và cho rằng, trong công tác đối ngoại quốc phòng nói chung thì công tác đối ngoại của biên phòng đã giúp cho chúng ta giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, giữ biên giới bình yên và giữ được một nền hòa bình lâu dài cho Tổ quốc.
Không chỉ bằng lời nói, với vai trò và trí tuệ của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã quan tâm tới công tác đối ngoại biên phòng bằng những chủ trương, định hướng cụ thể, huy động sức mạnh của toàn quân đồng hành cùng BĐBP thực hiện hiệu quả công tác này. Các chương trình giao lưu đối ngoại do BĐBP đề xuất như “Biên cương thắm tình hữu nghị”, “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia”, "Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc", kết nghĩa hai bên biên giới... đều được Thượng tướng ủng hộ và đích thân tham gia chỉ đạo thực hiện. Ông cũng chỉ đạo rõ, với mỗi nước láng giềng, hoàn cảnh, điều kiện mỗi nước thì BĐBP cần có những hình thức, mức độ, nội dung tương đối khác nhau, nhưng tất cả đều được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất, tập trung của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Ông từng tâm sự: “Lần đầu tiên tôi lên biên giới vào năm 2012, đồn Biên phòng đã cử một tổ công tác đưa tôi đến thăm cột mốc. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là đặt một bó hoa bên chân cột mốc rồi quay về. Một đồng chí sĩ quan còn rất trẻ đã ngăn tôi lại và nói rằng: “Xin thủ trưởng hãy quay lại để chào cột mốc". Câu nói của một Trung úy thôi nhưng đã giúp cho tôi học được một bài học về sự thiêng liêng của cột mốc, của chủ quyền lãnh thổ quốc gia”.
Còn câu chuyện thứ 2 là trong một lần chứng kiến hoạt động tuần tra chung giữa BĐBP Việt Nam và BĐBP nước bạn Trung Quốc, ông hiểu thấu đáo hơn rằng, hoạt động này không chỉ là tập hợp đội hình, khoác súng tuần tra, mà đây còn là cơ hội giao lưu giữa các chiến sĩ Biên phòng của hai nước với nhau, là để cùng phát hiện và thống nhất xử lý những vấn đề bất thường xảy ra trên biên giới. Và ông hiểu, những chiến sĩ Biên phòng hai nước tuần tra để cùng bàn với nhau những biện pháp để làm sao quản lý và bảo vệ khu vực biên giới của mỗi nước hiệu quả hơn, phòng chống các loại tội phạm tốt hơn và làm thế nào để giúp đỡ nhân dân biên giới hai nước có cuộc sống ổn định, no ấm hơn...
Trong lần phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phục vụ cho loạt phim tài liệu “Những trang sử biên thùy”, ông quán triệt rất rõ rằng, trong thời gian tới, để xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp cả ở trong nước và quốc tế, lấy nội lực là chính, với nhiều giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực. Đặc biệt, công tác đối ngoại biên phòng cần được chú trọng đẩy mạnh hơn nữa nhằm tạo nên sự đồng thuận, tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ chung giữa BĐBP Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng cũng như trong khu vực và quốc tế. Có như vậy, việc xử lý các vấn đề phát sinh về biên giới, lãnh thổ và vùng biển mới thực sự đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo được lợi ích quốc gia song vẫn giữ được sự hòa hiếu, chân thành vốn có giữa các nước có cùng chung tranh chấp.
Đặng Tuệ Lâm