Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Thương từ trong gian khó

Biên phòng - Những năm gần đây, tôi có dịp đồng hành trong nhiều chuyến thiện nguyện với nhóm Mãn Tự đến với đồng bào nghèo biên giới và vùng lũ nên thương hết sức những thành viên mộc mạc, hồn hậu mà có trái tim ấm áp yêu thương. Gần đây nhất, trong cơn lũ lịch sử ở miền Trung tháng 10 năm 2020, nhóm đã cùng với BĐBP các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị hỗ trợ hàng ngàn phần quà cho bà con vùng lũ, tặng ti vi, bộ lọc nước sạch trị giá hàng trăm triệu đồng cho Đồn Biên phòng Triệu Vân, BĐBP Quảng Trị, hay ngược lên Đồn Biên phòng Cô Ba, Xuân Trường, BĐBP Cao Bằng để mang nắng ấm miền Nam cho biên cương cực Bắc giữa mùa giá tuyết.

Thành viên của nhóm Mãn Tự trao tặng trang thiết bị y tế cho bệnh viện dã chiến. Ảnh: Văn Thông

Chính vì thế, giữa lúc thành phố Hồ Chí Minh khốn khó trong đại dịch, tôi không hề ngạc nhiên khi biết mỗi ngày, bếp ăn từ thiện Mãn Tự của nhóm đã nấu trên 10.000 suất ăn cho các bệnh viện dã chiến và người dân nghèo trong các khu cách ly, chuyển tặng hàng vạn phần thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm sốt, tức thở của các F0 điều trị tại nhà, cung cấp hàng ngàn bình oxy cho những người cần trợ thở...

Và mỗi tối, tôi lại mở trang cá nhân của chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, Trưởng nhóm để dõi theo hành trình nhân ái của họ. Có hôm, chị đang trên đường về thì câu chuyện dọc đường được kể lại với giọng nói khản đặc. Có hôm, lại vào đúng lúc đội phải mang oxy đến hỗ trợ khẩn cấp khi có yêu cầu, chị Phượng và các thành viên vừa thao tác thuần thục, vừa cố gắng nói về các bước chăm sóc ban đầu cho người bệnh F0 điều trị tại nhà, hy vọng qua những hình ảnh thực tế có thể để mọi người biết thêm những phương pháp đơn giản nhất hỗ trợ người thân qua phút ngặt nghèo.

Các thành viên của Mãn Tự khoe với tôi chiếc đầu trọc lóc, bởi đi cứu trợ giữa trời nắng như đổ lửa, lại cường độ cao nên không có nhiều thời gian tắm rửa, cả nhóm quyết định “xuống tóc” luôn cho đỡ phiền. Nhóm có hơn 30 người, chia thành 4 đội phụ trách các phần việc cụ thể gồm đội cứu trợ lương thực SOS, đội cứu trợ oxy, đội cứu trợ chở F0, đội vận chuyển đồ ăn cho các chốt kiểm soát. Rồi ngay trong các đội cũng phân rõ nhóm ô tô, nhóm xe máy, nhóm đóng gói, nhóm bốc vác... Tất cả chỉ có tấm lòng tình nguyện và sự dấn thân vì cộng đồng, không ai đòi hỏi dù chỉ là ưu ái hơn một chai nước, một suất cơm...

Được biết, mỗi ngày, sẽ có tầm 15-20 tấn rau, củ, quả, gạo, mì và bánh kẹo được các nhà hảo tâm cả nước chuyển đến cho Mãn Tự rồi từ đó được phân loại, gửi tới các bệnh viện, khu cách ly và một số dành để nấu các suất ăn. Bếp Mãn Tự luôn đỏ lửa, số điện thoại xin oxy, xin thuốc reo liên hồi và người đi nối người về... Cứ quần quật từ 4 giờ sáng đến giữa đêm khuya, mặt mày đen sạm, tóc tai vuốt ngược, bù xù mà tinh thần ai nấy đều phấn chấn.

Cũng không ít lần các thành viên bị suy nhược cơ thể do thức khuya, làm việc nặng bị ngất, anh em nhanh chóng sơ cứu, hỗ trợ nghỉ ngơi vài giờ đồng hồ rồi lại dậy cùng mọi người tiếp tục công việc. Trong số họ, có nhiều người là doanh nhân, công chức và cả sinh viên, trong mùa dịch đã trở thành anh bốc vác, chị xe ôm 0 đồng lành nghề, nai nịt kỹ càng, khẩu trang, mũ, kính chắn giọt bắn đầy đủ, tất bật lên đường đến những ngõ nhỏ, xóm nghèo.

Từ nhiều nguồn cung cấp của các nhà hảo tâm, để hàng hóa đến được đúng điểm cần, sau khi xin ý kiến của chính quyền địa phương, nhóm mới chở rau củ, gạo mì đến bàn giao cho phường, tổ dân phố phát cho người dân. Ngoài ra, các đồ dùng thiết yếu khác như máy thở, bình oxy, cây nước nóng lạnh, nước rửa tay, xà bông, dầu gội, bột giặt, đồ ăn dinh dưỡng... cũng được nhóm chuẩn bị để cung ứng cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly bất cứ khi nào có yêu cầu.

Tính đến ngày 15-8, đã có 55 cây nước nóng cùng hàng trăm bình oxy cỡ lớn và một số máy thở được nhóm gửi tặng các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Chị Trần Huỳnh Yến, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 là vị khách thường xuyên ghé lấy rau tại chợ 0 đồng, chia sẻ: "Chúng tôi lấy rau về, tặng một ít cho bà con trong chốt phong tỏa, một ít cho những hộ dân khó khăn hoặc trong khu phòng trọ ở địa phương”.

Sau gần hai tháng lăn lộn ngược xuôi, ngày 23-7, cả nhóm chết lặng khi kết quả xét nghiệm cho thấy có tới già nửa thành viên trong nhóm dương tính với Covid-19. “Sợ thì cũng sợ, nhưng rồi nghĩ, có sợ cũng không giải quyết được chuyện gì. Tui nằm phòng cách ly mà điện thoại như cái chợ đầu mối, ai làm gì kệ ai, tôi vẫn xin rau và gạo cho bà con, cứ nghĩ bà con đói là mình thấy càng phải thêm cố gắng” - Anh Quyên, F0 đầu tiên giờ đây đã khỏe lại, nói rổn rảng như chưa từng có những ngày “dạo chơi” qua ngõ nhà thần chết.

Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng kể lại: “Cảm giác của tôi lúc đó nó bất lực và cay đắng vô cùng. Nhất là khi biết nhiều người bạn ở các nhóm thiện nguyện khác đã ra đi vì Covid-19 thì lại càng hoang mang, lo lắng cho người thân, cho chính mình và các thành viên trong đội. Rồi còn day dứt bởi biết bao hàng hóa, rau củ chưa chuyển đi được cho bà con đang chờ, day dứt bởi không biết mình có vô tình truyền bệnh cho ai không nữa... Tôi vừa tự động viên mình chiến đấu với bệnh tật, vừa phải khích lệ tinh thần anh em, cả nhóm quây quần tự chăm lo cho nhau. Ai cũng nỗ lực cả về tinh thần lẫn thể lực, không cho phép mình gục ngã”.

Suất cơm dành cho các cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân ở khu cách ly do nhóm Mãn Tự nấu. Ảnh: Văn Thông

Những ca nặng cần đến oxy tại các bệnh viện dã chiến hay những gia đình đang tự điều trị F0 tại nhà, chị Phượng cùng một nhóm 3 người lập tức lên đường. Vốn đã từng là người bệnh, hiểu được quy trình chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cơ bản, đồng thời, cũng đã được các bác sĩ của bệnh viện dã chiến hướng dẫn một số biện pháp cấp cứu đơn giản, nên các thành viên đội cứu trợ oxy, đội cứu trợ chở F0 thao tác thành thục. Duy, cậu thanh niên có vóc người ròm ròm mà sức bền “20 tiếng/ngày vẫn chạy tốt” ôm một lúc hai bình oxy to chà bá vào ngõ nhỏ. Bệnh nhân nặng sẽ được nhóm ưu tiên cấp cho bình to để hỗ trợ thở thời gian dài hơn, rồi dịu dàng dỗ dành người bệnh thực hiện theo hướng dẫn và dặn dò người nhà bệnh nhân sử dụng bình cho đúng cách.

Và cũng chính Duy, cùng những anh em khác như anh Lĩnh, anh Phúc... sẵn sàng ghé bờ vai, tấm lưng gầy của mình để cõng dìu người bệnh nặng đưa đi cấp cứu. Bộ đồ bảo hộ lùng nhùng ướt dính mồ hôi, đường xa thì dùng cáng, đường gần thì bế chạy cho lẹ, rồi những ngõ nhỏ lắt léo thì dùng xe máy chở người bệnh len lỏi mà đi, những gác cao, cầu thang dốc đứng thì người kéo trên, người đỡ dưới mà xuống dần...

Suốt gần 3 tháng qua, có những cụ bà chỉ còn da với xương, có những cô bác nặng cả tạ, có cả những thanh niên to khỏe, vạm vỡ đã giành giật lại được mạng sống của mình từ chính những bờ vai, đôi tay gầy ấy.

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày trong “bão dịch”, thương thật thương những con người vẫn gắng sức cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vượt qua gian khó ấy.

Văn Thông

Bình luận

ZALO