Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 10:56 GMT+7

Thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế

Biên phòng - Từ ngày 20 đến 22-10, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, do Viện Khoa học Quân sự và Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc tổ chức. Hơn 1.300 người tham dự diễn đàn này, gồm 23 bộ trưởng quốc phòng, đại diện của 76 phái đoàn chính thức và 8 tổ chức quốc tế, cũng như các chuyên gia và quan sát viên nổi tiếng. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương”. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, tham dự diễn đàn và có bài phát biểu trọng tâm.

nbkz_26
Các đại biểu dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9. Ảnh: Xinhuanews

Xét về quy mô, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 là diễn đàn có số lượng quan chức cấp cao và chuyên gia, học giả tham dự đông nhất từ trước đến nay. Số lĩnh vực, chuyên ngành của các chuyên gia, học giả tham dự diễn đàn cũng rộng nhất so với các kỳ trước. Không ít ý kiến cho rằng, ảnh hưởng và sức hấp dẫn của Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 đang ngày càng gia tăng, chính vì vậy, các nội dung mà diễn đàn đề cập ngày càng đa dạng.

Theo chương trình do Ban tổ chức công bố, diễn đàn năm nay có 4 phiên toàn thể, 8 phiên thảo luận theo nhóm và phiên thảo luận đặc biệt, trong đó, số lượng phiên thảo luận theo nhóm tăng gấp đôi so với diễn đàn lần trước. Chủ đề của các phiên toàn thể gồm: Quan hệ nước lớn và trật tự thế giới; Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; Lợi ích của các nước vừa và nhỏ và an ninh chung; Cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế và an ninh toàn cầu.

Theo giới phân tích, do nhiều đại biểu diễn thuyết tại diễn đàn đến từ các nước vừa và nhỏ nên diễn đàn này tạo kênh cho các nước đang phát triển lên tiếng, bày tỏ với cộng đồng quốc tế và cống hiến kế sách cho hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

So với các diễn đàn trước, các phiên thảo luận theo nhóm trong diễn đàn năm nay có chủ đề cụ thể hơn. Ví dụ, chủ đề "Đánh giá cơ chế xây dựng lòng tin về an ninh quân sự châu Á-Thái Bình Dương" trong diễn đàn lần này được cụ thể hóa thành 2 phiên thảo luận theo nhóm "Khung an ninh châu Á-Thái Bình Dương" và "Xây dựng cơ chế tạo lập lòng tin". 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã kêu gọi các nước xây dựng loại hình đối tác an ninh mới dựa trên sự bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, trong bối cảnh thế giới tồn tại nhiều rủi ro và thách thức. Bộ trưởng Nguỵ Phượng Hòa nói: “Không quốc gia nào có thể tự thân bảo vệ và cắt đứt kết nối với thế giới... Chỉ có thông qua đối thoại, những nỗ lực chung và những hành động vì mục tiêu cùng có lợi, các nước mới có thể tìm ra biện pháp giúp người dân có được cuộc sống tốt đẹp”.

Tại các phiên toàn thể của diễn đàn, đại diện Bộ Quốc phòng các nước đã có các bài phát biểu bày tỏ quan điểm về việc phát triển mối quan hệ giữa các nước, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng sự đồng thuận và tăng cường hợp tác để cùng nhau giải quyết các vấn đề an ninh.

Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ 2 có chủ đề “Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khuyến nghị một số biện pháp để quản lý tốt các rủi ro an ninh khu vực, trong đó có việc đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế cũng như trong giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.

“Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực” - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh. 

Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Về mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, hai bên cần coi trọng và thúc đẩy quan hệ, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng; đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao những sáng kiến hợp tác giữa hai bên nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại một số nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về một loạt vấn đề từ kinh tế và an ninh, thương mại và chuyển giao công nghệ cho tới các vấn đề như Biển Đông, những diễn đàn như Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 là cơ hội để các bên đến tìm giải pháp hòa bình. Mặc dù khi bế mạc, diễn đàn không đưa ra tuyên bố chung, nhưng theo các đại biểu, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 đã thu hẹp khoảng cách trong vấn đề an ninh và quốc phòng giữa các nước.

 Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO