Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 12:43 GMT+7

“Thưởng thức” Phan Thiết

Biên phòng - “Bình Thuận, Phan Rí Cửa” đang là những từ khóa nóng được nhiều người truy cập. Hơn 1 tuần khám phá miền đất này, tôi nhận ra Phan Thiết còn có nhiều điều rất thú vị. Ban ngày, gió biển lồng lộng thổi, ban đêm thoang thoảng hương vị nồng đượm của biển cả. Bình yên đã sớm quay trở lại chốn này và du khách có thể yên tâm vui chơi thăm thú cả ngày lẫn đêm trên phố biển để tìm hiểu ẩm thực đường phố tuyệt vời.

xf5d_10a
Cầu Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty. Ảnh: Lê Huân

Đêm đầu tiên tôi từ Quảng Ngãi đến thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào lúc 2 giờ 30 phút sáng. Tôi lặng ngắm thành phố đang chìm vào giấc ngủ dưới ánh đèn vàng. Thành phố yên bình đến lạ, không thấy có bóng dáng cảnh sát trên đường. Bình yên đã trở lại nơi đây sau những ngày sóng gió, bạo loạn trước cổng UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Người chạy xe ôm Grap nói với tôi vài chuyện và nhận xét, “con gái ở thành phố biển Phan Thiết đẹp nhất miền Trung”.

Nếu khách du lịch là người Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi thì nên lang thang một chút ở miệt biển. Cư dân ở nơi này đến định cư và làm ăn từ năm 1973. Ở phương xa tới thành phố biển Phan Thiết muốn tìm sự khác biệt thì hãy đi qua phía bờ Bắc, vốn là thủ phủ của Phan Thiết trong quá khứ. Phố xá nơi đây là những con đường nhỏ giống như 36 phố phường ở Hà Nội, nhưng hấp dẫn hơn.

Bờ Nam và bờ Bắc được nối bằng những cây cầu vắt ngang sông. Vừa qua khỏi cầu Lê Hồng Phong, xuống dốc, khung cảnh sẽ mở toang ra trước mắt du khách như một quảng trường. Không gian này đã tạo ra một khu ngã 10 vuông vức và rất độc đáo. Đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Thị Minh Khai như hai cánh cung ôm lấy các tuyến đường Kim Đồng, Nguyễn Thái Học, Phan Huy Chú, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Văn Trỗi...

Từ ngã 10 đi dọc theo con đường Trần Phú chỉ chừng vài trăm mét sẽ dẫn đến một ngã 7, có chợ Phan Thiết, Trung tâm văn hóa và những dãy nhà nhỏ được bố trí như những múi bưởi. Bà Hải, một người dân sống lâu năm giúp tôi hình dung Phan Thiết trong quá khứ, bà giới thiệu: “Mắm Phan Thiết ngon vì có muối làm tại địa phương rất độc đáo, còn muối ở các nơi khác mang về làm ngon không bằng. Hơn nữa, hồi trước, biển ở đây nhiều cá lắm, cứ chiều ra, sáng vô, đánh sát bờ cũng đầy ghe. Cá không qua ướp đá cho nên làm ra mắm ngon dữ lắm”.

Ban ngày, con sông Cà Ty đầy ắp nước, đi trên đường nghe gió biển thổi rì rào. Đêm xuống, sông cạn theo thủy triều nên thoang thoảng mùi mặn mòi của sông nước. Cái mùi mang hơi thở của quá khứ, thời người dân sống chen  chúc trên những nhà chồ trên mặt sông giống như thành phố Đà Nẵng ngày trước.

Suốt những ngày ở Phan Thiết, dù là người nói giọng Quảng, nhưng tôi chưa bị các chủ quán “chặt chém” lần nào. Nhiều người dân chia sẻ chuyện “mong Phan Thiết bình yên để bà con làm ăn”. Ông Nguyễn Văn Lạc (67 tuổi) cho biết: “Không chừng người ta lại kết chú. Vì người dân ở đây là dân gốc Nam, Ngãi, Bình, Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Cũng vì vậy mà món ăn ở Phan Thiết được pha trộn giữa miền Trung và miền Nam, có mì Quảng của Quảng Nam, bánh hỏi Bình Định, bò một nắng Phú Yên, chỉ khác là không có mì quảng gà và cá lóc, chỉ có bán mì quảng vịt và heo”. 

Có đêm, tại khu ngã 10, tôi giật mình nghe tiếng kêu ngay dốc cầu Lê Hồng Phong. Thì ra, một người đàn ông dừng xe máy giữa đường, chạy tới đẩy xe lăn cho một người khuyết tật đang quay bánh xe lên dốc. Những buổi sáng tinh mơ, rời Phan Thiết đi Phan Rí Cửa trên những chuyến xe buýt, khách trên xe luôn nhường ghế rất lịch sự cho người già, người mang bầu; người phụ xe luôn đếm 1, 2, 3 để người khiếm thị biết từng bậc thang. Hình ảnh chiếc xe máy bỏ ngay giữa đường và người đàn ông gò lưng đẩy chiếc xe lăn qua một phần cầu; chuyện nhường ghế trên xe buýt và không có tiếng nói tục đã khiến tôi rất cảm tình với người Phan Thiết. 

Năm 2017, tỉnh Bình Thuận thu ngân sách 9.549 tỷ đồng, vượt dự toán trên 1.000 tỷ. Bình Thuận sắp vào top 10 ngàn tỷ. Nhưng nhiều người nhận xét, so với 2 “người hàng xóm” là Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu thì Bình Thuận vẫn chậm thay đổi, trên sông Cà Ty vẫn còn nhà chồ. Thành phố biển Phan Thiết chỉ có điểm mạnh hơn là khí hậu rất ôn hòa. So với thành phố biển Đà Nẵng thì Phan Thiết mát mẻ hơn và không có những cơn mưa gió kéo dài triền miên.

Tôi quyết định đổi tấm vé Phan Thiết – Quảng Ngãi để nán lại thêm một ngày, dù đã lưu lại tác nghiệp gần 1 tuần lễ. Tôi tự hỏi: Điều gì níu kéo tôi nán lại? Vì nơi đây đối với tôi rất thân thiện. Bữa ăn sáng tại quán Đồng Khánh nằm ở số 40, đường Trần Phú, chị chủ quán thấy tôi quên ví ở khách sạn, thì mỉm cười và nói nhẹ nhàng: “Không sao, em cứ đi, hôm khác tới trả tiền cũng được”. 

Thái độ lịch sự, nhã nhặn của chị chủ quán cũng giống nhân viên ở cây xăng nằm ở trung tâm trên đường Trần Hưng Đạo. Khi vòi xăng được đặt vào miệng bình xăng xe, nhân viên đều gật đầu, đưa tay mời người đổ xăng hướng mắt về phía đồng hồ để kiểm tra dung lượng. Không có chuyện nhân viên bán xăng giữ cần bơm và liên tục nhấp cò như ở một số tỉnh khác.

Mỗi đêm khuya, tôi đều ghé vào một quán nhỏ ven đường để nhâm nhi ẩm thực Phan Thiết. Ở thành phố biển này, những quán ẩm thực đơn giản nhưng đều có tên gọi như bánh mì Bibone, heo vịt quay Năm Tươi. Quán đường phố luôn đông khách và người mua tới xếp hàng từ 7 giờ tối, đó là bánh mì thịt trứng ở đầu đường Nguyễn Huệ. Điểm chung là các quán được căng bảng rất to, như một cách khẳng định thương hiệu – điều mà nhiều thành phố khác không hề có.

qml1_10b
Người dân ở phố biển Phan Thiết và khách phương xa thường đến nguyện cầu trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đặt ngay giữa ngã 3 đường phố. Ảnh: Văn Chương

Món được bày bán nhiều của phố biển Phan Thiết là các loại sò lông, dòm nâu, điệp, bàn mai, nghêu lụa. Ngư trường Bình Thuận lớn thứ 2 trong cả nước, chiều dài bờ biển 192km. Món bánh cuốn ở các nơi thường bán kèm với thịt luộc, hoặc một ít lòng lợn. Bánh cuốn ở Phan Thiết được bán kèm với 5 món khác nhau. Còn những gánh bánh cuốn của các chị hàng rong trên phố thì bán kèm với 3 món. Khách lựa chọn nước chấm ngọt hoặc chua cay được pha chế khéo tay và vừa ăn với đủ loại thực khách (ở huyện ngoại thành, như Phan Rí Cửa thì nấu ăn hơi ngọt).

Hàng đêm, tôi cho phép mình đi lạc khắp các con phố ở khu bờ Bắc, mắc kẹt trong vài con hẻm ở khu Văn Thánh, đi vào những xóm nhỏ là nơi ở mới của dân nhà chồ trên sông Cà Ty một thời; đến thăm tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đặt giữa ngã 3 đường ở khu Lạc Đạo. Đêm nào khu vực này cũng đông đúc người địa phương, khách phương xa. Mọi người thắp hương và thầm nói những điều nguyện ước giữa ngã 3 phố.  

Đi trên phố biển, tôi chợt nhớ câu thơ rất hay của Xuân Diệu: “Người Phan Thiết vạn chài/Sắc mắt từ khơi đến/Gió cứng tóc trên đầu/Tay bặn cùng gió biển”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO