Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Thương mến Bát Mọt

Biên phòng - Để lên được điểm trường xã Bát Mọt, sát cửa khẩu Khẹo của biên giới Việt – Lào, thuộc huyện Thường Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 130km về phía Tây, đoàn công tác của chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ thật nhiệt tình của những người lính Đồn Biên phòng Bát Mọt, BĐBP Thanh Hóa. Họ, người nhiều nhất 51 tuổi, người trẻ nhất mới 18-19 tuổi, gương mặt còn trẻ thơ, hiền ngoan như học trò, họ đã để lại những suy ngẫm dài hơn cả chuyến đi 600km. Đời lính trấn thủ lưu đồn lại miên man như làn mây trắng, da diết niềm quan san...

jnwe_10
Cán bộ Đồn Biên phòng Bát Mọt hỗ trợ hạt giống cho người dân vùng biên. Ảnh: Trịnh Thu Tuyết

Sau chặng đường chúng tôi chưa từng qua, kể cả trong tưởng tượng, đèo núi ngoằn ngoèo, tròn như vòng vô lăng, mắt nhắm nghiền, tay ghì siết thành ghế, Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bát Mọt đã đưa chúng tôi tới nơi khi màn đêm trĩu dày sương bao phủ miền biên giới. Cái mát lạnh biên cương lập tức ập đến, chúng tôi không hình dung nổi vừa mới mấy tiếng đồng hồ trước đó là cái nắng như lửa cháy của đất trời vội vã vào hè.

Doanh trại đồn biên phòng dần hiện ra trong chập chờn ánh điện nhòa sương đêm. Vừa vào tới sân đã nghe tiếng hát vọng ra từ phía phòng ngủ các chiến sĩ: “Đêm nay, mưa lạnh buồn, không có vòng tay ôm...”, Chính trị viên Kiên cười: “Ở đồn, ban ngày còn lao động, tập luyện, đọc báo..., đêm về chỉ biết hát cho vui”. Chợt nhận ra nhiều khi những cụm từ ngữ ở chỗ này nghe sến tới ngượng ngùng, chỗ khác lại thật như nước mắt! Trong ánh đèn lờ mờ, vẫn nhận ra doanh trại rất khang trang, sạch sẽ, từ đường đi tới mép cỏ. Bỗng giật bắn mình vì mấy chú chó xồ ra, sủa loạn, chắc lâu không thấy khách lạ. Giọng Kiên bình thản: “Chị yên tâm, chó của bộ đội không cắn người đâu”! Đi một quãng lại gặp đàn ngỗng đi tuần đêm, kêu quàng quạc, chưa kịp hỏi thì Chính trị viên nhanh ý lại nửa đùa nửa thật giải thích: “Chúng em nuôi ngỗng, vừa tăng gia, vừa “đỡ việc” cho chó đấy, chị ạ, ngỗng “canh gác” tốt lắm”. 

Vào nhà ăn, mâm cơm bộ đội đón đoàn công tác đã bày biện tươm tất, đều là cây nhà, lá vườn, thịt chuồng, cá ao. Đầy đặn, chu đáo và đầy chất lính, từ cái xoong nhôm đầy cơm tới mấy cái thìa nhôm, đũa tre mộc mạc, giản đơn, cho tới cách sắp mâm, bỗng thấy se lòng vì hình dung cuộc sống của những người lính - những người đàn ông, tự cung tự cấp, tự trồng cấy, tự thu hoạch, chế biến, sắp xếp... Kiên tinh ý, chắc nhận ra chút ngậm ngùi nên kể, “đợt trước, hơn 60 cô vợ bộ đội lên dự lễ kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP, đi đường cua dốc đã khóc, lên đây nhìn cách ăn ở, các cô ấy càng khóc và sau lần ấy về, thương chồng lắm”. 

Là người phụ nữ, tôi rất hiểu những tiếng khóc ấy, nhìn con đường cua dốc mà định kỳ chồng phải hai lần vượt qua để về thăm gia đình vợ con chốc lát đã thương. Thấy những người đàn ông lẽ ra được hưởng sự chăm chút ấm áp của vợ con, nay phải tự sắp xếp cuộc sống, quy củ mà vẫn trống trải, tươm tất mà vẫn như heo hút, có lẽ đó là điều chạm vào nỗi thương cảm rất phụ nữ, nên khóc!

Nhìn mâm cơm, nhớ tới một chi tiết Kiên nói lúc trên đường đi: Đôi khi nhận được báo cáo của một số cán bộ về việc vợ đơn phương xin ly hôn, thấy cũng buồn, chị ạ! Giờ thời bình, bộ đội vẫn được về phép thường kỳ, nhưng chồng hai tuần hay 2 tháng, thậm chí có đồng chí 2 năm mới về một lần, mà mỗi ngày, hàng xóm có khi lại tốt bụng giúp đỡ tới mấy lần ấy. Ừ! Và ngoài chữ “ừ”, một bà giáo như tôi có thể giảng văn như “lưu thủy hành vân” lại hoàn toàn nghẹn lời.

Tôi vẫn giảng cho học sinh: Tình yêu, đến hay đi, nồng hay nhạt, đâu có quy luật, đâu có công thức hay xếp hạnh kiểm được cho nó, giờ biết nói gì trước con số về cuộc đời, hạnh phúc của những người lính? Và đằng sau những người lính có thể giấu nỗi buồn trong dáng vẻ phong trần còn là nỗi cô đơn, nhọc nhằn không dễ dàng vượt qua của những người vợ lính! Nhớ có đọc một tứ thơ thời chống Mỹ về cảm giác của người vợ bộ đội, khi “trong bữa cơm, ngồi bên nào cũng lệch”, về nỗi đau khiến cuộc đời “không hóa thạch kẻ ra đi mà hóa thạch kẻ đợi chờ”, những tưởng đó chỉ còn là những ký ức thời chiến tranh, ai hay nó vẫn đâu đó giữa thời đã im tiếng súng.

Sáng sớm hôm sau, 5 giờ 30 phút, sau tiếng kẻng khua vang không gian, chúng tôi thức dậy trong không khí trong trẻo thanh khiết của miền sơn cước, trong cảm giác là lạ của một đồn Biên phòng. Vài con bọ cánh cứng sà qua lại. Một bạn cùng đoàn khẳng định, nơi nào có đủ đom đóm, côn trùng, chim, thú... là nơi đó đất lành, nơi vạn vật bình thản tồn tại bên con người.

Tận thấy “sương treo đầu ngọn cỏ/ Sương lại càng long lanh” rải rác trên bờ cỏ, luống rau, mơ hồ trên những tơ nhện vương vấn bên rau cỏ. Lúc này mới “truy xuất nguồn gốc” của cả mâm cơm thịnh soạn tối qua: Những luống rau non mướt mát, một ao cá lớn, một bể cá tầm hiện đại. Vườn thuốc Nam chia khu theo loại biệt dược, bờ rào tím thẫm lá mơ lông, xanh biếc sắc cúc tần, lăn tăn ngọn đinh lăng, mát thơm hương dấp cá... 

Ngồi uống trà với Chính trị viên phó của đồn, nghe em kể về công việc và cuộc sống của bộ đội vùng biên, thấy nơi đây vẫn thật trong trẻo theo mọi nghĩa. Mỗi năm, đồn nuôi 5 em học sinh với mức trợ cấp 500 nghìn đồng/tháng, từ tiểu học tới hết lớp 12. Lương các anh em để đủ thứ từ bàn chải, xà phòng, kem đánh răng, rồi mua xăng xe máy khi đi tuần đường biên; đến việc giúp dân làm kinh tế, trồng ngô, nuôi lợn... Lương lại trích ra mua giống ngô, hướng dẫn bà con trồng ngô, nhưng thường là bộ đội phải làm hết, tới khi thu hoạch, mang về tận nhà, có khi họ còn không buồn ra lấy. 

Vận động con họ đi học, anh em cũng phải trích tiền lương, đóng góp mua sách vở, quần áo cho các cháu, rồi dỗ dành: “Vài tháng các con lại mang gạo thừa về cho bố mẹ”. Vậy mà họ cũng chẳng muốn, vì dù có học hết tiểu học hay hết trung học, con trai, con gái mười mấy tuổi cũng lấy vợ, lấy chồng. Việc ấy không nhất thiết cần biết toán hay văn. Lại thêm tâm lý đứa nào đi học là Nhà nước nuôi, cha mẹ sẽ cắt suất ruộng cho những đứa còn lại trong nhà!

mndh_10b
Cán bộ Đồn Biên phòng Bát Mọt trợ giúp nhu yếu phẩm cho nhân dân. Ảnh: Trịnh Thu Tuyết

Trong lúc ngồi uống trà bên hành lang, tôi cứ nhìn gương mặt khắc khổ của Hùng, Chính trị viên phó của đồn. 13 năm gắn bó biên giới phía Bắc, Hùng lần lượt ở 27 trên tổng số 33 đồn Biên phòng Hà Giang. Bị thương trong cuộc chiến biên giới, mất 65% sức khỏe, Hùng lại được điều về khu vực đồn trú Tây Ninh gần chục năm, rồi mới nhận lệnh ra Bát Mọt, trấn ải biên giới Việt - Lào mấy năm nay. 51 tuổi, Hùng đã trải qua sự ác liệt ghê sợ của chiến tranh và cả cái khắc nghiệt dai dẳng để có được hòa bình.

Hùng kể, Tiểu đội của Hùng có 18 chiến sĩ thì 13 người hy sinh sau trận địch nã pháo vào đơn vị. Hỏi thăm về gia đình, mắt Hùng hơi tối đi, Hùng kể: Vợ con em ở một làng thuộc miền núi Thanh Hóa, có khi hơn 2 năm mới về thăm nhà. 3 năm trước, vợ em bị ung thư mà trút bỏ gánh nặng gia đình lại cho chồng. Gửi 3 đứa con nhỏ lại cho ông bà, em nói sẽ trụ lại ở đồn Biên phòng này cho tới khi nghỉ hưu. Định hỏi Hùng rất nhiều mà lại sợ chạm vào những lo toan của em. 

Chia tay Hùng, cứ hình dung cuộc sống mấy năm nữa của 4 bố con chơ vơ dựa vào nhau, tựa vào đồng lương hưu mấy chục năm lính, trợ cấp thương tật, tôi càng thêm cảm phục, thương yêu những người lính trên miền biên ải.

Trịnh Thu Tuyết

Bình luận

ZALO