Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 05/12/2023 12:54 GMT+7

Thương mại Việt - Trung duy trì tăng trưởng ổn định

Biên phòng - Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và ngoại thương của cả hai bên. Trong 5 tháng đầu năm nay, thách thức đến từ dịch Covid-19 là rất lớn, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đạt 63,6 tỉ USD.

Hoạt động xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại các cửa khẩu biên giới đều tăng trưởng. Ảnh: Thu Hằng

Xuất khẩu vào Trung Quốc tăng

Năm 2020 được đánh giá là “năm u ám” của nền kinh tế thế giới. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống, xã hội của nước ta. Trong làn sóng dịch Covid-19, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ và sự sáng tạo của các doanh nghiệp, hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng và là một trong những điểm sáng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,82% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,95%. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hàng hóa trị giá 84,18 tỷ USD, tăng 11,55%. Trung Quốc được đánh giá là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trong đó, nhóm hàng đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng thương mại Việt Nam - Trung Quốc là nhóm hàng chế biến, chế tạo (đạt 37,07 tỷ USD, tăng 20,06%) và vật liệu xây dựng (đạt 3,12 tỷ USD, tăng 104,09%)... Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020.

Kết quả hoạt động thương mại năm 2020 đã tạo đà cho thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 duy trì sự ổn định. Mặc dù nước ta đang phải căng thẳng đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 có quy mô lớn và tính chất phức tạp hơn tất cả các đợt dịch trước, nhưng hoạt động giao thương với Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt do thực hiện các giải pháp linh hoạt như kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu, bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây, lương thực; rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; lập đội lái xe chuyên trách chở hàng hóa qua cửa khẩu...

Bộ Công thương cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 43,5 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, với kim ngạch đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản đã tăng. Nếu như năm 2020, nhóm hàng nông lâm thủy sản có gặp khó khăn, khi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,8% tỉ USD, giảm 3,3% so với năm 2019, thì trong 5 tháng đầu năm 2021 đã tăng trưởng 36,2% so với cùng kỳ.

Tiếp tục đàm phán thúc đẩy giao thương

Nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước, đầu tháng 6, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương đã điện đàm, trao đổi về phương hướng tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại song phương và tạo thuận lợi thông quan cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào.

Hai bộ trưởng đã nhất trí việc hai bên cần tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ những khó khăn, rào cản đối với hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Hiện, quả vải đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua “luồng xanh” các cửa khẩu biên giới.Ảnh: Bích Nguyên

Hiện, Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch các mặt hàng trái cây như vải, nhãn, xoài... Đây cũng là những mặt hàng mà thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi thông quan cho các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung như xem xét thực hiện một số biện pháp như kéo dài thời gian thông quan, mở “luồng xanh”, thực hiện “hẹn giờ thông quan từ xa” 24/24 giờ...; nâng cao năng lực thông quan bằng việc khôi phục hoạt động và mở thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu nông sản từ Việt Nam tại các tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng tiếp tục đề nghị Trung Quốc miễn kiểm tra, xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đối với các mặt hàng đông lạnh của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý để mở cửa thị trường cho các loại trái cây là thế mạnh của Việt Nam. Hiện, Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc 9 loại trái cây gồm: thanh long, nhãn, xoài, vải, chuối, mít, chôm chôm, dưa hấu và măng cụt. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc.

Ông Vương Văn Đào cho biết, để tạo thuận lợi cho quá trình thông quan hàng nông thủy sản của Việt Nam, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu của Trung Quốc đã đơn giản hóa quy trình thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra đối với các loại trái cây rủi ro thấp trong 9 loại trái cây Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng đã thiết lập 10 khu tập kết trái cây, 4 khu tập kết lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản đang trong thời kỳ cao điểm thu hoạch của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương biên giới phía Trung Quốc tạo thuận lợi tối đa cho thông quan hàng hóa theo đề nghị của phía Việt Nam.

Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại Trung Quốc, các bộ, ngành liên quan và địa phương Trung Quốc để tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tháo gỡ khó khăn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO